Trường ĐH công lập tự chủ: Nhiều vi phạm, thu chi sai quy định

09/09/2019 08:14 GMT+7

Theo nguồn tin của Thanh Niên , kết luận thanh kiểm tra của một số cơ quan chức năng ngành tài chính vừa chỉ rõ, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2016 - 2018 tại Bộ GD-ĐT còn một số vi phạm, bất cập.

Cụ thể, dự toán chi thường xuyên của tất cả các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT giảm 390,4 tỉ đồng, song giao dự toán cho từng trường ĐH tăng 261,9 tỉ đồng, chưa phù hợp với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015. Việc xây dựng phương án tự chủ còn bất cập, chưa tích cực, nhiều trường có nguồn thu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên hoặc mức độ đảm bảo cao, tuy nhiên trong giai đoạn 2016 - 2018, ngân sách nhà nước vẫn phải cấp hơn 1.344 tỉ đồng. Còn một số trường thu học phí vượt trần, thu các khoản chưa có trong quy định 205,8 tỉ đồng. Đáng nói, các khoản thu này được cơ quan kiểm tra chấn chỉnh trong nhiều năm, song Bộ GD-ĐT vẫn chưa có biện pháp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, các trường ĐH tồn tại nhiều mô hình đơn vị trực thuộc như các trung tâm, doanh nghiệp, viện, bệnh viện... nhưng chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về mô hình tổ chức, phương thức quản lý, cơ chế quản lý tài chính gây khó khăn trong quản lý và xác định mức độ tự chủ của các trường ĐH.
Đặc biệt, tại một số trường ĐH công lập, số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ quốc phòng an ninh ngoài quy định hơn 14,5 tỉ đồng (tại 5/7 cơ sở giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội 702 triệu đồng; tại 5/9 cơ sở giáo dục ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM gần 4,5 tỉ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GD-ĐT gần 9,4 tỉ đồng).
Các trường ĐH công lập tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở giáo dục công lập phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng từ các nguồn thu hợp pháp để ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các sinh viên có thành tích xuất sắc, còn phải có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học.
Thực tế, hầu hết các trường ĐH công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học, dẫn đến tình trạng người dân nghèo hiếu học, học giỏi nhưng không được học do mức học phí cao. Một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% quy định, tổng số học bổng chi thiếu 42,6 tỉ đồng tại 8/12 trường ĐH công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT được kiểm toán năm 2017.
Hiện việc tự chủ tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập mới thực hiện được ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường ĐH công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút. Việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.