Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM sẽ thương lượng với giảng viên kiện trường

28/05/2019 20:18 GMT+7

Chiều 28.5, TAND TP.HCM đã đồng ý để Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thương lượng với giảng viên trong vụ kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động kéo dài nhiều năm qua.

Vụ kiện kéo dài hơn 3 năm

Ngày 28.5, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lao động "Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động". Nguyên đơn là ông Tôn Thất Hoài (ngụ Q.8, TP.HCM) kiện Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vì cho rằng trường này đã sa thải ông không đúng quy định của pháp luật. 

Ông Tôn Thất Hoài được Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM ký hợp đồng lao động tuyển dụng vào làm việc ngày 15.10.2008 để làm giảng viên khoa Công nghệ thông tin. Ông Hoài cũng đã được trường công nhận là giảng viên chính thức vào ngày 27.11.2009. 

Tuy nhiên, ngày 15.2.2016, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM ban hành thông báo do ông Đặng Thành Tâm ký cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hoài với lý do trường này bị đình chỉ tuyển sinh (trường bị đình chỉ tuyển sinh từ năm 2012-2017 - PV), không có nguồn thu phải thu hẹp cơ cấu, giảm chỗ làm việc. Ngày 14.3, ông Đặng Thành Tâm ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hoài, bắt đầu thực hiện quyết định từ ngày 4.4.2016.
Tuy nhiên, theo trình bày của ông Hoài trong đơn kiện, vào thời điểm ký quyết định, ông Đặng Thành Tâm không còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015. Vì vậy, ông Hoài cho rằng ông Tâm lúc này không phải là người đại diện pháp luật của nhà trường và cũng không là hiệu trưởng nên không có quyền ban hành thông báo và quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông. 
Vì không đồng ý với quyết định này, ông Hoài khởi kiện Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM tại TAND Q.5. Ông Hoài đề nghị trường này phải nhận ông trở lại làm việc, hủy quyết định trước đó, phải trả tiền lương cho ông trong những ngày không được làm việc (tính từ thời điểm 4.4.2016), bồi thường 2 tháng lương, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông. 
Ngày 21.11.2018, TAND Q.5 đã đưa vụ kiện ra xét xử. Tòa quyết định hủy quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước đó đối với ông Hoài vì trái pháp luật. Tòa cũng buộc Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thanh toán cho ông Hoài số tiền 161.016.446 đồng, bao gồm tiền lương không được làm việc, tiền bồi thường, tiền trợ cấp thôi việc. 
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM T.H
Tuy nhiên, sau phiên tòa, đại diện Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM kháng cáo, đề nghị chuyển vụ kiện sang tòa phúc thẩm tại TAND TP.HCM. Sau 3 lần hoãn phiên tòa vì nhiều lý do, ngày 28.5.2019, tòa bắt đầu xét xử. Tại đây, đại diện Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đề nghị tòa cho phép thương lượng với ông Tôn Thất Hoài và tòa đồng ý. Hai bên sẽ thương lượng trong thời gian 2 tuần để tòa mở lại, có quyết định về vụ án. 

Trong thời gian theo đuổi vụ kiện đến nay, ông Tôn Thất Hoài vẫn chưa là giảng viên cơ hữu của bất kỳ trường ĐH nào. 

19 đơn kiện chờ xét xử

Cùng với ông Hoài, trường này cũng ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 24 cán bộ, nhân viên, giảng viên khác của trường trong đợt này. Sau đó, không tính ông Hoài, có tất cả 19 đơn kiện khác gửi đến TAND Q.5 với cùng nội dung khởi kiện quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong đợt này. Các cán bộ, nhân viên, giảng viên còn lại cho biết TAND Q.5 đã thụ lý hồ sơ và đang chờ kết quả vụ kiện của ông Tôn Thất Hoài trước khi mở phiên tòa xử lần lượt các vụ kiện này. 

Ngày 28.5, các cá nhân này cũng cho biết ngoài chuyện chính là ông Hoài thương lượng cùng trường, các cán bộ, nhân viên, giảng viên cũng sẽ đề nghị gặp đại diện nhà trường nếu trường có cùng ý định thương lượng. Theo nhóm người này, hai việc chính cần thương lượng là đề nghị trường bồi thường trong khoảng thời gian cho họ nghỉ từ ngày 4.4.2016 đến nay cũng như trường phải nhận lại làm việc đối với những người có nhu cầu. 

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh trở lại từ năm học 2017-2018. Từ đó đến nay, trường đã có hai đời hiệu trưởng là tiến sĩ Tạ Thị Kiều An và PGS.TS Đỗ Văn Xê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.