Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh ĐH năm 2023. Theo đó, trường vẫn tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu ĐH chính quy, sử dụng phương thức xét tuyển.
Giảm tỷ lệ chỉ tiêu với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Chỉ tiêu được phân bổ cho từng phương án, cụ thể như sau:
Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm gồm điểm ưu tiên. Trường sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội, ngưỡng đầu vào dự kiến là 18 điểm. Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp.
Năm 2023 trường vẫn sử dụng 9 tổ hợp (4 tổ hợp/mã) điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển như năm 2022, cụ thể là: A00, A01, B00, C03, C04, D01, D07, D09, D10.
Vì công bố đề án tuyển sinh ĐH năm 2023 sớm nên Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết, có thể đề án sẽ có một số thay đổi khi có thông tin mới của Bộ GD-ĐT, thí sinh cần lưu ý theo dõi, cập nhật.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] × mức điểm ưu tiên quy định.
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh, không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.
Trường cũng không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển, ngoài các quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và của trường.
7 mã ngành dùng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội
Với xét tuyển thẳng, trường thực hiện theo quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT ban hành, với đối tượng được tuyển thẳng. Thí sinh diện được tuyển thẳng nếu không sử dụng quyền được tuyển thẳng thì chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả (tổ hợp) điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Với xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội, trường áp dụng cho 7 mã ngành/chương trình (25% chỉ tiêu mỗi mã) sau đây:
Với xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trường áp dụng cho tất cả 60 mã ngành/chương trình tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 với 5 nhóm đối tượng.
Nhóm 1 là thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT. Nhóm 2 là thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia. Nhóm 3 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia. Nhóm 4 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Nhóm 5 là thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Đối với 7 mã ngành/chương trình đã dành 25% chỉ tiêu mỗi mã xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Bách khoa Hà Nội nên chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết hợp chỉ là 50% chia theo 5 nhóm đối tượng tương ứng là 3%, 7%, 15%, 15%, 10% mỗi nhóm.
Với tất cả các nhóm, cách thức xét tuyển xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo điểm xét tuyển.
Thông tin cụ thể của 5 nhóm đối tượng
Với nhóm 1, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1.6.2023 đạt SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên, tốt nghiệp THPT chương trình trong nước hoặc nước ngoài. Chỉ tiêu xét tuyển là 3% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. Điểm xét tuyển (ĐXT) quy về thang 30 được xác định như sau:
ĐXT = điểm SAT *30/1.600 + điểm ưu tiên (nếu có).
ĐXT = điểm ACT *30/36 + điểm ưu tiên (nếu có).
Với nhóm 2, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2022 hoặc năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc của ĐH Quốc gia TP.HCM đạt từ 700 điểm trở lên. Trường sẽ lấy 17-20% chỉ tiêu theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.
ĐXT quy về thang 30 được xác định như sau:
Với điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: ĐXT = điểm ĐGNL * 30/150 + điểm ưu tiên (nếu có).
Với điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM: ĐXT = điểm ĐGNL * 30/1.200 + điểm ưu tiên (nếu có).
Nhóm 3, thí sinh thỏa mãn cùng lúc 2 điều kiện mới được nhận hồ sơ: có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1.6.2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên; có điểm thi ĐGNL năm 2022 hoặc năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc của ĐH Quốc gia TP.HCM đạt từ 700 điểm trở lên.
Với nhóm này, trường xét 20% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.
ĐXT theo thang 30 được xác định như sau:
Với điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: ĐXT = điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (CCTAQT) + (điểm ĐGNL * 30/150)*2/3 + điểm ưu tiên (nếu có).
Với điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM: ĐXT = điểm quy đổi CCTAQT + (điểm ĐGNL * 30/1200)*2/3 + điểm ưu tiên (nếu có).
Bảng quy đổi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế dành cho thí sinh nhóm 3 và nhóm 4 |
Với nhóm 4, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1.6.2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Với nhóm này trường dành 20% chỉ tiêu theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.
ĐXT theo thang 30 được xác định như sau: ĐXT = điểm quy đổi CCTAQT + tổng điểm 2 môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, tổng điểm 2 môn xét tuyển = tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Với nhóm 5, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh thỏa mãn cùng lúc 2 điều kiện: là học sinh hệ chuyên (3 năm lớp 10, 11,12) các trường THPT chuyên toàn quốc, học sinh hệ chuyên các trường THPT trọng điểm quốc gia; có điểm trung bình chung (TBC/TB cộng) học tập của 6 học kỳ (3 năm lớp 10, 11,12) đạt từ 8,0 điểm trở lên (điểm trung bình học kỳ nào đó có thể nhỏ hơn 8,0).
Trường dành 10% cho nhóm này chỉ tiêu theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.
ĐXT theo thang 30 được xác định như sau: ĐXT = điểm TBC học tập 6 học kỳ + tổng điểm 2 môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, tổng điểm 2 môn xét tuyển = tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn toán và 1 môn bất kỳ khác thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Bình luận (0)