|
|
Trường Đại học Mở TP.HCM được thành lập vào năm 1990, chuyển thành trường ĐH công lập từ năm 2006, và là trường công lập tự chủ vào năm 2015. Đến giữa tháng 9.2017, trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Khoa Quản trị kinh doanh là đơn vị đầu mối của trường tổ chức hội thảo. Là một trong những khoa được thành lập vào những ngày đầu thành lập trường, đã đào tạo hàng ngàn doanh nhân, hàng ngàn nhà quản trị thành đạt, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Khoa có các ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Khởi nghiệp và đổi mới kinh doanh.
|
|
|
Tiếp nối thành công trong công tác phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất, Trường Đại học Mở TP.HCM và UNIDO tiếp tục là hai đơn vị chính phối hợp tổ chức hội thảo lần thứ hai này.
Diễn ra tại Trường Đại học Mở TP.HCM, hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy ở các trường đại học, các nhà quản lý ở các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức đã cùng tham dự. Ngoài sự hợp tác với UNIDO, Trường Đại học Mở TP.HCM còn phối hợp với nhiều trường ĐH khác như: Nova Southern University (Mỹ), Berlin School of Economics and Law (Đức), University of International Studies of Rome – UNINT (Ý), University of Rouen (Pháp), Solvay Brussels School of Economics and Management (Bỉ), Hasselt University (Bỉ), Economic Regulation Authority in Perth (Úc)…
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Wim Vanhaverbeke, 1 trong 50 người đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức quốc tế về quản trị công nghệ, International Association of Management of Technology -IAMOT).
Đáng chú ý, hội thảo có 31 bài tham luận được chọn để trình bày và hội đồng khoa học cũng đã lựa chọn được 35 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học có chỉ số xuất bản quốc tế. Ngoài phiên khai mạc tổng thể, hội thảo tổ chức 9 phiên trình bày và thảo luận. Những phiên trình bày và thảo luận này sẽ giúp người tham dự học hỏi, trao đổi về các chủ để của hội thảo xoay quanh đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Cụ thể nội dung tập trung vào các vấn đề: quản trị và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, marketing và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, kinh doanh đổi mới sáng tạo.
PGS-TS Vũ Hữu Đức - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết: “Tiếp nối thành công của hội thảo quốc tế ICB được tổ chức lần đầu vào năm 2015, hội thảo quốc tế ICB2017 lần thứ hai được tổ chức với chủ đề Dẫn dắt và đổi mới hướng đến phát triển kinh doanh bền vững nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của đổi mới sáng tạo, mở ra cơ hội kết nối, trao đổi và chia sẻ các ý tưởng về đổi mới kinh doanh phát triển bền vững”.
“Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công kinh doanh, nhằm đưa ra những ý tưởng mới để đảm bảo hoạt động, sản phẩm và dịch vụ luôn được thay đổi đáp ứng với khách hàng và thị trường. Việc khai thác thành công những ý tưởng mới là điều thiết yếu để doanh nghiệp có thể cải tiến các quy trình, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, nâng cao hiệu quảkinh doanh”, ông Đức nhấn mạnh.
Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO) là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, thành lập theo sáng kiến của các nước đang phát triển, với nhiệm vụ là tăng cường và thúc đẩy công nghiệp hoá của các nước đang phát triển và phối hợp mọi hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Tính đến cuối năm 2015, UNIDO có 170 thành viên quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có quan hệ với UNIDO ngay từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (1977).
|
Bình luận (0)