Trường ĐH 'nhập khẩu' bài báo ISI để tăng hạng?

20/06/2018 19:02 GMT+7

Đáng lẽ dùng tiền để gia tăng điều kiện học tập cho sinh viên thì có trường ĐH lại 'nhập khẩu' bài báo ISI để đăng ký xếp hạng, không quan tâm đến chuyện sinh viên được hưởng lợi gì.

Thông tin này được nêu ra trong hội thảo “Phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam - từ nhận thức đến hành động” diễn ra tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sáng 20.6.

Tại đây, nhiều vấn đề về thực trạng công tác kiểm định chất lượng, phân tầng và xếp hạng ĐH đã được đại diện các trường nêu ra.

Cuộc cạnh tranh không lành mạnh

Trong bài tham luận của mình, thạc sĩ Trần Thị Hà, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng tiêu chí xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH do nhà nước đề ra cho các nhóm trường trong từng tầng sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng nguy hại là chạy đua tiêu chí. Để được đánh giá cao, các trường không ngần ngại tìm đủ mọi cách đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao. Chẳng hạn vừa qua nhiều trường chạy đua số bài báo được đăng theo tiêu chuẩn ISI.

“Chuyện 'nhập khẩu' bài báo ISI không phải xấu nhưng chạy theo thì không cẩn thận sẽ xa rời mục tiêu cốt lõi, tạo danh tiếng hơn giá trị thực tế. Đáng lẽ dùng tiền để gia tăng điều kiện học tập cho sinh viên thì lại 'nhập khẩu' bài báo để đăng ký xếp hạng, không quan tâm đến chuyện sinh viên được hưởng lợi gì”, tác giả này nhấn mạnh.

Từ đó, theo thạc sĩ Hà xếp hạng không những không tạo ra được một cuộc cạnh tranh lành mạnh mà còn thúc đẩy các trường đi theo con đường sai lệch. Vì các trường đang chạy theo thành tích, làm mọi cách để có con số thật đẹp thay vì tập trung sứ mạng tạo ra tri thức, phục vụ cộng đồng và đào tạo sinh viên.

“Thành lập trường ĐH quá dễ”

Tiến sĩ Viên Thế Giang, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thì nói một trong những tiêu chuẩn để phân tầng và xếp hạng thì phải đạt kiểm định. “Nhưng đạt tiêu chuẩn này có đồng nhất với chất lượng tốt không thì khẳng định luôn rằng có những trường rất kinh khủng nhưng vẫn được công nhận”, ông Giang khẳng định.

Ông Giang nói thêm: “Chính ông kiểm định viên của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đồng thời là hiệu trưởng một trường ĐH và trường này thuê luôn trung tâm kiểm định đó, điều này có khách quan không?”.

Nói thêm về thực trạng chất lượng trường ĐH tại Việt Nam, ông Giang bắt đầu bằng số liệu được cung cấp từ Bộ GD-ĐT cung cấp về 170 trường ĐH công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài.

“Từ một quốc gia 'trắng' về ĐH, hiện nay Việt Nam đã có vô vàn trường ĐH và gần như phổ cập xong. Giờ muốn thành lập một trường ĐH dễ lắm, chỉ cần 'chạy' cho trường nằm trong quy hoạch là được. Cứ nằm trong quy hoạch thì tất yếu làm hồ sơ được”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, hệ quả của vấn đề trên là vì miếng cơm manh áo, các trường đang phải cạnh tranh với nhau để đi tìm người học. Thấy rõ nhất ở đây là xu hướng cạnh tranh mở mã ngành.

Dẫn dắt nhận định trên, ông Giang cho biết khi ngành tài chính ngân hàng phát triển đỉnh cao thì có xu hướng trường nào cũng mở khoa kinh tế đào tạo ngành tài chính ngân hàng. Đến khi không tuyển được người học, cách bố trí nhân lực đã tuyển là mở tiếp ngành luật kinh tế để giảng viên ngành kinh tế tăng gia vào ngành luật. Kết quả là có những môn học chẳng liên quan đến luật nhưng được nhét vô để giảng viên kinh tế có việc làm.

“Tôi thẩm định chương trình đào tạo một số trường ĐH đều có tình trạng này. Chính thời điểm này ngành luật đang là cách kiếm cơm cho các trường nhưng 5 năm nữa sẽ bão hòa. Sự cạnh tranh đó sẽ dẫn đến xu hướng nguy hiểm hơn là dễ dãi, nới lỏng quy chế để giữ học trò”, ông Giang lo ngại.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.