Trường ĐH phải dạy sáng tạo

22/10/2016 08:47 GMT+7

Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ mối lo ngại trước những thách thức mà các trường ĐH của VN đang phải đối mặt do sự phát triển của công nghệ.

Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ mối lo ngại trước những thách thức mà các trường ĐH của VN đang phải đối mặt do sự phát triển của công nghệ, tại hội thảo quốc tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN tổ chức hôm qua.
Thay đổi quan niệm về trường ĐH
Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế ĐH Quốc gia TP.HCM, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản chất của trường ĐH truyền thống. Bà Ly cho rằng đào tạo mở trực tuyến và từ xa đến bây giờ chưa thay thế được ĐH truyền thống nhưng chắc chắn nó đang đặt ra nhiều thách thức, bắt buộc các trường phải thay đổi. “ĐH thế giới thì đã thay đổi rồi. Họ đã phải kết hợp 2 phương thức đào tạo trực tuyến và truyền thống. Trước đây người ta học ở trường, về nhà làm bài tập. Giờ thì ngược lại, kiến thức mà thầy giáo giảng được sinh viên học ở nhà qua trực tuyến, và đến lớp chỉ để tương tác với thầy giáo, để hỏi những gì họ chưa rõ”, bà Ly cho biết.
Tiến sĩ Ly nhấn mạnh: “Nhưng điều quan trọng, những thay đổi đó khiến chúng ta thay đổi quan niệm về trường ĐH”. Theo tiến sĩ Ly, nếu như trước đây, nghiên cứu là công việc chính của trường ĐH thì ngày nay không chỉ trường ĐH làm công việc này. Thậm chí một số lượng rất lớn kinh phí dành cho nghiên cứu hiện nay đang dịch chuyển từ trường ĐH sang các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn ngày nay có phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu và phát triển riêng, họ thực hiện những nghiên cứu rất tốn kém để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, thành thử trường ĐH không còn là nơi duy nhất làm nghiên cứu. Về đào tạo, do nhiều trường ĐH không thích ứng được với sự phát triển công nghệ nên sản phẩm mà họ đào tạo ra không đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp đã phải tự tổ chức đào tạo lại, thậm chí đào tạo mới.
Ông Phạm Hùng Hiệp, nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), cho rằng cách mạng công nghiệp lần này sẽ khiến cho những gì chúng ta dạy ngày nay có thể vô ích trong tương lai. Vì thế, việc thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra và sự tham gia tích cực của khu vực công nghiệp cần được đặt vào vị trí trọng tâm và là nhiệm vụ cấp bách của các trường ĐH.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên bên lề hội thảo, tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 khiến người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại có kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng. Vì thế mục tiêu đào tạo nhân lực không phải là để tạo ra những người lao động làm công việc mà rô bốt sẽ làm mà phải đạt tới trình độ con người làm ra được rô bốt.
Nhưng điều quan trọng là internet vạn vật khiến cho tất cả các trường ĐH trên thế giới được kết nối với nhau nên sinh viên chỉ cần bật thiết bị là biết thế giới đang dạy gì. Đây sẽ là một thách thức lớn với người thầy khi mà trò có công cụ để phán xét được thầy. “Trước đây, chúng ta kêu gọi ĐH phải quốc tế hóa. Còn giờ thì không cần kêu gọi nữa, bởi không quốc tế hóa được thì chết. Nhân lực VN sẽ không chỉ đào tạo cho VN mà là cho toàn cầu”, ông Ngọc nhận xét.
Cơ hội để phát triển
Chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo, đại biểu các trường ĐH cho rằng đã có sự chuẩn bị để đối mặt với những thách thức này.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết với nhiều trường ĐH lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một cơ hội để phát triển khi mà nền tảng của cuộc cách mạng là các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử. Ông Sơn cho rằng chắc chắn những ngành này phát triển mạnh, nhu cầu về nhân lực trình độ cao sẽ tăng, nghiên cứu vào lĩnh vực này sẽ gia tăng. Vì thế, trước hết các trường ĐH sẽ phải chuẩn bị chuyển dịch cơ cấu đào tạo vào lĩnh vực nghiên cứu. Phải đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mang tính liên ngành, kiến thức nền rộng để khi đi làm sinh viên sẽ thích ứng được với các công việc khác nhau. Ngoài ra, phải tăng khả năng thích ứng, khả năng sáng tạo.
Còn PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết giáo dục ĐH sẽ phải thay đổi trước hết về quản lý. “Cuộc cách mạng đòi hỏi con người phải sáng tạo, phải mở rộng ra, phải đi tìm cái mới. Mình không dạy cho người ta học cái mình đang có, đang biết mà phải hướng tới dạy người ta sáng tạo ra cái mới. Nếu chúng ta vẫn lập chương trình đào tạo với những môn học cứng như hiện nay chắc chắn không đáp ứng được mà phải có một thay đổi. Người học cũng phải thích ứng với sự thay đổi trong đào tạo”, ông Cần nhận xét.
Trường ĐH có chức năng đào tạo cơ bản
“Chức năng của doanh nghiệp là đào tạo tiếp tục chứ không có chức năng đào tạo cơ bản. Từ trước đến nay, chỉ có các trường ĐH mới có chức năng đào tạo cơ bản cho nguồn nhân lực”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
(Ủy viên Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Kết hợp thế giới ảo và thực
“Xu hướng của thời đại mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại là trường học trực tuyến đến tận từng người, nhưng nó không phủ nhận trường ĐH truyền thống. Trường ĐH mới sẽ là kết hợp giữa thế giới ảo và thế giới thực”.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc
Giai đoạn c­ủa sản phẩm thông minh
Theo các nhà khoa học, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn: cuộc cách mạng đầu tiên diễn ra khi có động cơ chạy bằng hơi nước và thủy lực; lần thứ hai là sự xuất hiện động cơ điện, dây chuyền sản xuất; lần thứ ba là điện toán hóa, tức công nghệ thông tin.
Giờ đây, nhân loại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS). PGS-TS Thái Bá Cần nhận xét: “Đây là giai đoạn của các sản phẩm thông minh, quản lý thông minh, sản xuất thông minh. Nó không chỉ là số hóa đơn thuần mà đưa số hóa thành trí tuệ, thành sáng tạo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.