Bước ra khỏi phòng thi, nhiều TS nhận định đề toán tương đối khó. TS Thành An (Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết chỉ làm được khoảng 80% bài thi môn toán. Kiến thức đề chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 nhưng một số câu thuộc lớp 10, 11. So với đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT công bố, điểm khác biệt lớn nhất của đề thi này là đòi hỏi sự tư duy, suy luận cao hơn.
Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày, thời gian làm bài chính thức 90 phút/ môn. Trong số 2.102 hồ sơ đăng ký dự thi có 2.102 TS dự thi môn toán, 949 môn vật lý, 269 môn sinh, 653 môn hóa và 1.357 môn tiếng Anh (trong đó 604 TS dự thi môn tiếng Anh có kỹ năng nghe).
Theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dành 35% chỉ tiêu các ngành xét TS bằng kết quả kỳ kiểm tra năng lực. TS dự thi chỉ cần tốt nghiệp và đủ điểm chuẩn kỳ kiểm tra này sẽ trúng tuyển vào trường.
Theo PGS- TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, để xét tuyển vào trường TS chỉ cần có điểm 2 môn: toán (môn bắt buộc) và một môn tự chọn trong số các môn còn lại. Tuy nhiên TS được quyền đăng ký dự thi nhiều môn tự chọn để tăng cơ hội trúng tuyển. Do số TS đăng ký dự thi nhiều hơn 2 môn khá nhiều nên trường phải tổ chức nhiều buổi thi khác nhau cho cùng một môn. Ví dụ môn hóa sẽ được tổ chức thi 3 buổi với đề thi khác nhau để thuận tiện hơn cho TS.
Theo thống kê của nhà trường, có tới trên 50% TS đăng ký 2 môn tự chọn, tức có tối thiểu 2 nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức này. Tỷ lệ TS dự thi 3 môn tự chọn trên 40% và TS dự thi 4 môn tự chọn gần 7%.
Theo thống kê của trường, quản trị kinh doanh là ngành được nhiều TS lựa chọn nhất qua kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực với 947 hồ sơ. Một số ngành nhiều TS đăng ký khác gồm: tài chính ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin…
|
|
|
|
|
Bình luận (0)