Vấn đề ở chỗ khi chuyển trường ĐH thành ĐH thì có đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết: “Theo Nghị định 99, điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH, gồm: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.
Bà Phụng cũng cho biết thêm về điều kiện để các trường ĐH liên kết thành ĐH, gồm: có ít nhất 3 trường ĐH cùng loại hình đồng thuận liên kết; đã thống nhất dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo bà Phụng, trước quy định trên, có ý kiến cho rằng không cần phải đưa ra con số quy mô 15.000, vì có những trường dẫu quy mô chỉ 2.000-3.000 sinh viên nhưng vẫn là trường tốt. Nhưng cũng có ý kiến hỏi ngược lại: nếu trường vẫn muốn giữ quy mô đào tạo ít thì tại sao lại phải chuyển từ trường ĐH thành ĐH? Không chuyển thành ĐH thì trường ĐH đã tốt vẫn là trường tốt.
Bà Phụng giải thích: “Cần phải hiểu rằng ĐH hay là trường ĐH cũng chưa nói lên chất lượng đào tạo. ĐH khác với trường ĐH ở chỗ ĐH là một cơ sở đào tạo lớn mạnh, đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực, mỗi lĩnh vực gồm một số ngành, đáp ứng thiết thực yêu cầu về nhân lực của thị trường lao động, có đủ năng lực để giải quyết những nhiệm vụ mang tính liên ngành, để giải quyết những vấn đề lớn của nền kinh tế, xã hội của vùng, miền, quốc gia… đang đặt ra.
Ở một góc độ khác, để giáo dục ĐH Việt Nam muốn xuất hiện trên bản đồ giáo dục ĐH thế giới, thì chúng ta nên bắt đầu từ những cơ sở đào tạo ĐH có quy mô lớn, như các ĐH quốc gia, hay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… Có những trường mà chất lượng đào tạo rất tốt, như Trường ĐH Y Hà Nội, dù có thể tỷ lệ công bố quốc tế uy tín tính theo đầu giảng viên không kém một số trường lớn, nhưng không lọt được vào các bảng xếp hạng, là bởi quy mô nhỏ. Quy mô nhỏ quá, thì nhìn gần mình thấy cũng đáng kể, nhưng nhìn trên bình diện rộng, so với các trường đa ngành ở góc độ quốc tế thì giống như một chấm bé nhỏ. Vì vậy nâng cấp nhiều trường ĐH lên thành một ĐH trước hết là để tạo ra cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực, giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, lĩnh vực. Khi thị trường lao động thay đổi thì các ngành, lĩnh vực bổ sung, hỗ trợ nhau để vẫn đứng vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, xác định ngành mũi nhọn cần đầu tư... Từ đó mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo.
Như vậy, không phải chuyển thành ĐH mà thay đổi ngay chất lượng đào tạo cũng không phải những trường đơn ngành là những trường chất lượng không tốt.
Bình luận (0)