Hôm nay (15.1), Diễn đàn phát triển chung với chủ đề "Xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao trên thế giới và sự phù hợp với Việt Nam năm 2025" diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngoài nước. Diễn đàn tập trung vào các chủ đề như: sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, các xu hướng mới trong thiết kế và sản xuất chip, cũng như tác động của bán dẫn đối với các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và tự động hóa. Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam.
Phát biểu trong diễn đàn, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, chia sẻ: "Việt Nam được xem là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn thế giới về điện tử. Cùng với đó, thời gian qua, ngành công nghiệp bán dẫn cũng có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Hơn 50 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thiết kế chip, 10 công ty tham gia lĩnh vực khác liên quan đến các công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn… Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến có một nhà máy về công nghiệp bán dẫn".
Về phía Việt Nam, ông Võ Xuân Hoài cho biết trong 4 năm vừa qua, Việt nam đã có cơ chế chính sách đột phá để bắt nhịp xu hướng phát triển của thế giới. Trong đó, đáng chú ý là việc công bố chương trình quốc gia phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đây là chương trình quốc gia rất quan trọng và mong muốn trong thời gian tới được phối hợp với các trường ĐH để phát triển nguồn nhân lực trong ngành.
Về phía trường ĐH, tiến sĩ Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mong muốn diễn đàn sẽ trở thành hoạt động thường niên để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đặc biệt, sự kết nối giữa các cơ quan chính phủ, trường ĐH, viện nghiên cứu, công ty, tập đoàn và tổ chức từ Việt Nam, Đài Loan cũng như cộng đồng quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Năm 2025, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu tuyển sinh đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn trên nền tảng của ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông.
Trước đó, tháng 9.2024, Chính phủ phê duyệt chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
Bình luận (0)