Trường ĐH Tôn Đức Thắng: 'Thông tin của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là không đúng sự thật'

11/06/2019 10:47 GMT+7

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng thông tin của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là không đúng sự thật, việc đưa thông tin này có ý bôi nhọ và vu khống lãnh đạo và toàn thể nhà trường.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có ý kiến phản hồi về thông tin trao đổi với báo chí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) chiều qua 10.6. Theo đó, TLĐLĐVN đã bác bỏ tất cả cáo buộc của trường và cho rằng hiệu trưởng trường này có dấu hiệu lạm quyền.

Thông tin về việc “chống lệnh” là hoàn toàn sai lệch

Theo đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản đối việc TLĐLĐVN đưa thông tin rằng lãnh đạo nhà trường “chống lệnh” cơ quan cấp trên. Việc đưa thông tin này có ý bôi nhọ và vu khống lãnh đạo và toàn thể nhà trường.
Cụ thể, về kiểm toán, không phải trường có văn bản không đồng ý mà là xin đề nghị dời thời gian kiểm tra. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, trường phản hồi một cách minh bạch, đúng pháp luật và có căn cứ đối với những kết luận kiểm tra chưa chính xác; đối với những kết luận kiểm tra chính xác, trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện (nếu có). “Vậy chẳng lẽ, mọi kết luận của đoàn kiểm tra, trường buộc phải tuân thủ cho dù kết luận đó không phản ánh đúng thực tế hoặc/và không đúng với quy định của Đảng, Nhà nước”, văn bản này nêu.
Về lịch làm việc giữa TLĐLĐVN với trường, nhà trường cho biết TLĐ có mời 3 lần. Trong đó, lần đầu tiên trường đã cử Phó hiệu trưởng và Trưởng phòng Tổ chức - hành chính ra làm việc trực tiếp với lãnh đạo TLĐ để xin hoãn họp vì đang có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra tại trường, trường chưa thể sắp xếp ngay sau Tết Nguyên đán. Việc dời đã được Chủ tịch TLĐ đồng ý. Thư mời lần 2 trùng lịch họp hội đồng trường (đã gửi thư mời và báo TLĐ trước khi TLĐ mời). Ngay sau đó, trường đã cử lãnh đạo ra dự họp theo yêu cầu của TLĐ.

"Chính TLĐ bổ nhiệm ngạch lương cho GS Lê Vinh Danh”

Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn cho rằng, về tổ chức họp, thông tin của TLĐ là không đúng sự thật, sai lệch bản chất.
Theo mục 2 Điều 10 trong Quy chế Hội đồng trường, Hội đồng trường hợp thường kỳ 6 tháng/lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên Hội đồng trường hoặc có đề nghị của Hiệu trưởng hoặc của Chủ tịch hội đồng. Trường đã gửi thư mời Chủ tịch hội đồng trường nhưng không có phản hồi, đến đúng ngày họp mới nhận được văn bản của đại diện TLĐ báo là chủ tịch đi nước ngoài (trước đó Trường không biết lịch của chủ tịch và cũng không được Chủ tịch HĐT báo là không dự họp được). Cuộc họp diễn ra hoàn toàn đúng quy định của pháp luật (cụ thể là Luật Giáo dục đại học, Quyết định 70/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều lệ đại học, quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường và của Hội đồng trường). Tất cả các thành viên dự họp đều thẩm tra kỹ lưỡng căn cứ pháp lý trước khi bàn luận các nội dung trong cuộc họp.
Theo quy chế hiện hành thì nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng. “Trong khi thời gian nhiệm kỳ của hiệu trưởng sắp hết mà Chủ tịch Hội đồng trường vẫn không lo cho nhiệm kỳ mới thì để đến tháng 7.2019 trường sẽ không có hội đồng và không có hiệu trưởng thì ai sẽ điều hành, quản lý trường? Do vậy việc triệu tập họp của hiệu trưởng là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với tập thể hơn 1.300 con người. Cũng chính vì sự bất cập đó nên Luật 34 đã xác định trách nhiệm của chủ tịch hội đồng trường thành viên chuyên trách là cơ hữu của trường để có đủ thời gian và tâm huyết lo cho sự phát triển trường”, văn bản này nêu.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho rằng, thông tin về việc TLĐLĐVN luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất là không đúng. Toàn thể Đảng viên, giảng viên, viên chức của trường đang thiết tha mong muốn được gặp lãnh đạo TLĐ và trường đã có văn bản mời lãnh đạo TLĐ vào làm việc với cán bộ, giảng viên nhà trường để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ nhưng không có phản hồi của TLĐ.
Riêng về chức danh giáo sư của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, văn bản này ghi: “Nhà trường tin tưởng rằng các căn cứ bổ nhiệm vào thời điểm bổ nhiệm là đầy đủ và hợp pháp. Nhà trường đã gửi báo cáo việc này nhiều lần cho TLĐ và cũng chính TLĐ đề nghị bổ nhiệm ngạch lương giảng viên cao cấp cho Hiệu trưởng Lê Vinh Danh lên Ban tổ chức T.Ư”.

“TLĐ đã hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng là không chính xác”

Trong văn bản này, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết chưa bao giờ phủ nhận sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương và vai trò của TLĐLĐVN trong sự phát triển của trường. Thông tin TLĐ đã nêu là không đúng sự thật.
Cụ thể, cơ sở ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào cuối năm 1999 bằng vốn vay. Cơ sở quận 7 (TP.HCM) có diện tích 90.725 m2 (là đất trống, không có bất cứ tài sản gì trên đất) đã được UBND TP.HCM giao cho trường theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 2.4.2008. Lưu ý rằng thời điểm được giao khu đất này trường vẫn đang trực thuộc UBND TP.HCM. Đến ngày 11.6.2008 trường mới chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc TLĐLĐVN. Việc xây dựng cơ sở trên đất của các cơ sở này từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay ưu đãi. Thời điểm đó không có bất cứ tài sản nào trên đất “theo nguyên giá là 81 tỉ”. Rõ ràng, thông tin TLĐ đã đưa ra là không đúng.
Về tài chính, thì trước đây lãnh đạo trường đã thông tin là tài trợ bằng tiền của nhà nước và công đoàn từ khi thành lập đến nay. Tổng tài trợ nêu trên là 295,5 tỉ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của trường trên mặt đất. Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất.
“Thông tin số tiền, tài sản mà TLĐLĐVN đã hỗ trợ Trường ĐH Tôn Đức Thắng hàng nghìn tỉ đồng là không chính xác. Khối tài sản đã gia tăng hiện nay 2.200 tỉ đồng là tài sản đầu tư trên đất, không bao gồm giá trị đất, các trường công”, văn bản này ghi rõ.

"Trân trọng ghi nhận việc TLĐ vừa thông báo không yêu cầu trích nộp"

Với yêu cầu trích nộp 30% về TLĐ, văn bản này ghi: “Trường trân trọng ghi nhận việc TLĐ vừa thông báo không yêu cầu trích nộp. Quả thật, quyết định này dù ban hành trễ, song phù hợp với pháp luật”.
Tuy nhiên, trường cần làm rõ rằng TLĐ đã gửi văn bản số 1933 ngày 29.11.2017 về việc yêu cầu trích nộp. Văn bản này không phải là văn bản của đoàn kiểm tra vì người ký văn bản thừa lệnh đoàn chủ tịch (không phải là quyền của trưởng đoàn kiểm tra) và sử dụng con dấu chính thức của TLĐ.
Trong văn bản này, TLĐLĐVN viện dẫn quy định và ban hành quyết định đều có quy định nội dung phải trích nộp. Nếu lãnh đạo trường không phản đối mạnh mẽ, viện dẫn văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì đã phải thực hiện. Gần đây nhất, văn bản do chính Chủ tịch TLĐ phát đến từng thành viên Hội đồng trường tại cuộc họp ngày 23.4 về Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có yêu cầu nhà trường phải chỉnh sửa quy chế, trong đó có nội dung phải thực hiện nghĩa vụ trích nộp tài chính cho TLĐ theo quy định. Tất cả các thành viên Hội đồng trường đều có thể xác nhận việc này.
“Như vậy, việc cho rằng kiến nghị trích nộp chỉ là kiến nghị của Đoàn kiểm tra là không đúng và vấn đề là ngay khi trường phản ứng, có ý kiến từ năm 2017 và có ý kiến vào ngày 26.4.2019 mà TLĐ không phản hồi và khẳng định không buộc trích nộp. Phải đợi đến khi báo chí lên tiếng thì lãnh đạo TLĐ mới đính chính điều này”, văn bản nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.