Olympic 2024

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt: 'Việt Nam không giành bất kỳ huy chương nào là điều không mong muốn’

10/08/2024 08:34 GMT+7

Ông Đặng Hà Việt - Cục Trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho rằng việc không giành được bất cứ tấm huy chương nào tại Olympic 2024 là kết quả không như mong muốn và để lại nhiều tiếc nuối.

Có môn tiến bộ nhưng...

Ông Đặng Hà Việt chia sẻ trên Báo Thể thao và Văn hóa rằng, các VĐV Việt Nam đã có sự tiến bộ nhất định và đạt được thành tích như VĐV Trịnh Thu Vinh (môn bắn súng) đã hai lần lọt vào chung kết nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ và 25 m súng ngắn thể thao nữ. Thành tích đó cũng là tốt nhất trong tất cả các kỳ mà Thu Vinh thi đấu, đây là điểm sáng của thể thao Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bộ môn như bắn cung cũng có sự cải thiện. Những môn võ như judo hay quyền anh, các tuyển thủ Việt Nam cũng thi đấu rất quả cảm nhưng vẫn còn hạn chế về năng lực so với đối thủ. Đối với những môn khác, các VĐV của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với đấu trường Olympic, cụ thể là các nội dung của bơi lội, điền kinh và đua thuyền.

Trịnh Thu Vinh cùng chuyên gia Park GChung-gun và Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt

Trịnh Thu Vinh cùng chuyên gia Park Chung-gun và Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt

Khi thi đấu, Văn Vinh đã có chút xao động

"Tôi nghĩ một chút tiếc nuối đối với thể thao Việt Nam ở kỳ Thế vận hội lần này là cử tạ. Đây là bộ môn chúng tôi kỳ vọng sẽ có huy chương tại kỳ Olympic 2024. Ban huấn luyện đã quan tâm rất sát sao, theo dõi và nhận thấy VĐV Trịnh Văn Vinh có sự cải thiện về thành tích.

Trong quá trình tập luyện, Văn Vinh vẫn phải vừa tập vừa điều trị chấn thương. Vinh cũng đã đạt trọng lượng tạ trên 300 kg (cử giật trên 130 kg, cử đẩy trên 170 kg). Nhưng vào thi đấu, một chút xao động khiến Vinh không kiểm soát được và đây là điều rất nuối tiếc của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2024", ông Việt cho hay. 

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt: 'Việt Nam không giành bất kỳ huy chương nào là điều không mong muốn’- Ảnh 2.

Trịnh Văn Vinh không vượt qua được chính mình, anh từng nâng được những mức tạ cao hơn trước mức 128 kg ở Olympic Paris

REUTERS


Đã thiết kế chiến lược dài hạn, tuy nhiên...

Nói về định hướng tương lai cho thể thao Việt Nam sau thất bại ở Olympic Paris, ông Đặng Hà Việt cũng chia sẻ về tầm nhìn dài hạn của ngành thể thao. 

"Sau khi kết thúc ASIAD Hàng Châu 2023, dựa trên thực lực của các VĐV Việt Nam cũng như châu lục, chúng tôi đã nhìn nhận được rất nhiều điều. Ngành thể thao đã nhận được sự chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL để nâng tầm ở ASIAD và hướng tới Olympic. Có thể ở một số môn thể thao chúng ta đã tiệm cận được trình độ ở ASIAD nhưng với sân chơi Olympic, một đấu trường lớn thì cần thời gian để xây dựng lực lượng đảm bảo hơn.

Ngành thể thao đã đưa ra những giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn, trong đó có vấn đề thể thao học đường. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển phong trào cũng như tìm kiếm, tuyển chọn tài năng cho thể thao nước nhà.

Đối với các môn võ, chúng tôi đã có chỉ đạo các liên đoàn thể thao đồng thời phối hợp Bộ GD-ĐT xây dựng hệ thống giải để từ đó tìm được những tài năng  quyề anh hay taekwondo,…", ông Đặng Hà Việt cho biết. 

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris cũng cho biết, với những bộ môn liên quan đến chu kỳ như điền kinh, bơi lội, cử tạ… thì còn cần tập trung hơn nữa vào việc đánh giá thể chất, thể lực, từ đó tìm kiếm những VĐV có tố chất đặc thù để đưa vào đào tạo lâu dài.

Đối với những bộ môn đòi hỏi độ chính xác, cũng cần có kênh tuyển chọn tốt và ứng dụng công nghệ hiện đại vào đào tạo. Như tại Olympic vừa qua, đòi hỏi sự đầu tư rất cao về trang thiết bị và tâm lý thi đấu của VĐV khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi điều kiện thời tiết và môi trường, gió mưa.

Thể thao Việt Nam đã bị Đông Nam Á bỏ xa thế nào ở Olympic Paris 2024?

Các nước đã đưa cả Al vào quy trình huấn luyện VĐV

"Về vấn đề này các VĐV Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh chính xác và họ đã giành 5 HCV môn bắn cung. Ngoài tâm lý của VĐV, còn có sự hỗ trợ của công nghệ trong quá trình huấn luyện như AI, các bộ phận phân tích về ngoại cảnh… đưa ra chỉ đạo phù hợp cho VĐV trong tập luyện, từ đó khi bước vào thi đấu họ sẵn sàng đương đầu với mọi điều kiện thời tiết ở Paris hay bất cứ địa điểm nào khác để đưa ra quyết định chính xác, mũi tên đi đúng hồng tâm", ông Việt nhận định. 

Olympic vừa qua chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của nhiều nền thể thao tại Đông Nam Á như Philippines, Indonesia; trong khi Thái Lan vẫn giữ được thành tích ổn định như các kỳ Thế vận hội trước. Ông Đặng Hà Việt cho rằng có nhiều sự tương đồng giữa thể thao Việt Nam với các nước trong khu vực về việc đầu tư, ví dụ như cử tạ tập trung vào hạng cân nhỏ. Tuy nhiên, thể thao Thái Lan có sự phát triển ổn định hơn, bề dày cũng hơn, lực lượng VĐV cũng đông đảo.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt: 'Việt Nam không giành bất kỳ huy chương nào là điều không mong muốn’- Ảnh 3.

Carlos Yulo của Philippines lập cú đúp HCV ở Olympic lần này

REUTERS

"Đối với các bộ môn võ, cũng có thể thấy rất rõ Thái Lan có VĐV nổi tiếng ở môn taekwondo, có sự phát triển vượt bậc, chuyên gia Hàn Quốc cũng theo sát. VĐV này đã lấy được 2 HCV ở hai kỳ Olympic liên tiếp.

Philippines thì có tài năng Carlos Yulo, được huấn luyện bởi chuyên gia Nhật Bản và Philippines cũng đầu tư rất lớn cho VĐV này để mang lại 2 HCV Olympic".

Cần sự chung tay của doanh nghiệp

"Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có chiến lược đầu tư rất rõ, đối với các môn ASIAD. Olympic thì là sân chơi quá lớn cho thể thao Đông Nam Á. Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Việt Nam đều có sự đầu tư, quan tâm rất lớn từ Chính phủ. Nhưng bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn VĐV cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện từ đó giúp nâng tầm VĐV", ông Việt chia sẻ. 

Đoàn thể thao Việt Nam có 16 VĐV tham dự Olympic Paris 2024 (trong đó có 14 vé chính thức và 2 vé đặc cách). Người lớn tuổi nhất là VĐV Phạm Thị Huệ sinh năm 1990 (môn rowing) và nhỏ tuổi nhất là 2 VĐV Trần Thị Nhi Yến (môn điền kinh), Võ Thị Mỹ Tiên (môn bơi) đều sinh năm 2005.

Trong số các VĐV, xạ thủ Trịnh Thu Vinh là người có thành tích tốt nhất khi lọt vào chung kết 2 nội dung là 10 m súng ngắn hơi nữ (đứng hạng 4 chung cuộc) và 25 m súng ngắn thể thao nữ (đứng hạng 7 chung cuộc).

Ở các môn đối kháng, Lê Đức Phát và Nguyễn Thùy Linh (môn cầu lông) cùng Hà Thị Linh (môn quyền anh) mỗi người giành được 1 chiến thắng trước khi dừng bước ở vòng bảng.

Ở 2 môn đua thuyền là rowing và cannoeing, lần lượt 2 VĐV Phạm Thị Huệ và Nguyễn Thị Hương đều dừng bước ở tứ kết.

Cua rơ Nguyễn Thị Thật về đích thứ 73 chung cuộc ở nội dung xe đạp đường trường nữ.

Còn lại, với các nội dung thi đấu vòng loại tranh vé vào chung kết khác (như bắn cung, bơi, điền kinh,...), các VĐV Việt Nam hầu như không vượt qua được vòng loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.