"Sân chơi SEA Games vẫn là trọng tâm của thể thao VN. Tuy nhiên, chúng ta không dành tất cả nguồn lực cho SEA Games. Nguồn lực phải phân phối, đặc biệt phải định hướng ASIAD và Olympic là đích đến. Điều này thể hiện rõ trong chiến lược của thể thao VN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045", ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
Về lý do thể thao VN vẫn xem đấu trường SEA Games là trọng tâm, ông Đặng Hà Việt giải thích: "Khả năng cạnh tranh về thành tích giúp thành tích thể thao khu vực ngày càng nâng lên và đặc biệt là ngày càng tiệm cận châu Á. Giá trị thương hiệu của SEA Games đã được đẩy lên rất cao, có sức hút rất lớn tại khu vực Đông Nam Á. SEA Games kỳ tới tại Thái Lan (2025) sẽ bắt đầu thương mại hóa vấn đề tổ chức cũng vì sức hút rất lớn. Chúng ta phải xác định đây không phải là sân chơi bình thường nữa, không phải "ao làng", mặc dù công tác tổ chức còn thiếu chút chuyên nghiệp nhưng ngày càng được nâng cao".
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam: ‘SEA Games không phải ao làng’
Để định hướng thể thao VN từ đấu trường SEA Games hướng đến ASIAD và Olympic, ông Đặng Hà Việt cho rằng: "Tổng cục TDTT đã xây dựng suốt những năm vừa qua và tập trung cho các môn Olympic. Trong chiến lược đó có thể thao thành tích cao, đề án riêng cho điền kinh, bóng đá… Chúng tôi cũng rất hy vọng khi xây dựng đề án đó sẽ có nguồn kinh phí riêng. Hiện nguồn kinh phí vẫn đang một cục và phải phân bố, trang trải cho các đại hội".
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam: ‘SEA Games không phải ao làng’
Ông Đặng Hà Việt cũng thừa nhận những khó khăn trong quá trình xây dựng định hướng thể thao VN tiến đến đấu trường châu lục: "Để đầu tư cho ASIAD và Olympic thì chúng ta cần trang thiết bị, cơ sở vật chất. Cần những nguồn nhân lực như các chuyên gia dinh dưỡng, thể chất, tâm lý… Mọi người cũng thấy đội tuyển TDDC chúng ta vừa giành 4 HCV, vượt qua cả VĐV nổi tiếng của Philippines Carlos Yulo. Nhưng mọi người lên mạng tìm hiểu xem phòng tập của đội TDDC có thấy đau xót không. Hiện giờ muốn xây một nhà thể dục tại khu liên hợp thể thao Mỹ Đình không hề đơn giản vì liên quan đến cơ chế, quy hoạch... Chúng ta đã thua từ cơ sở vật chất, không phải không đầu tư mà vì vướng cơ chế. Do đó, những gì thể thao VN đang có được tại SEA Games 32 thực sự là một nỗ lực rất lớn của tập thể VĐV, HLV, lãnh đạo các đội thể thao".
"Tại SEA Games 32, đoàn thể thao VN cũng đã có nhiều điểm sáng rất tự hào như VĐV Nguyễn Thị Oanh đoạt 4 HCV điền kinh. VĐV mới 18 tuổi (Trần Thị Nhi Yến) lần đầu tham dự SEA Games nội dung 100 m đã đạt thành tích hơn 11 giây, rất đáng để kỳ vọng. Chúng ta cũng đã có lớp kế cận ở cự ly 400 m. Môn ném tạ cũng đã có HCB, nếu may mắn hơn là có thể có HCV. Một số nội dung trọng điểm chúng ta vừa đoạt HCV và HCB. Chúng ta thấy về chủ trương, định hướng cho môn thể thao trọng điểm điền kinh đang đi đúng hướng", ông Đặng Hà Việt chia sẻ thêm về thành tích của đội tuyển điền kinh VN, dù không đạt chỉ tiêu HCV (đoạt 12 HCV so với 14 HCV).
Bình luận (0)