Sau một thời gian đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách, Trường THCS Hà Đông (P.Hà Cầu, Q.Hà Đông, Hà Nội) chính thức được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu giáo dục cho người dân trên địa bàn. Năm học 2024 - 2025, trường tuyển sinh 1.270 học sinh.
Vậy nhưng, trước thềm năm học mới, bên cạnh niềm hân hoan là nỗi lo lắng, bất an của lãnh đạo nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh vì ngôi trường nằm ngay cạnh cơ sở điều trị methadone cho người nghiện.
Qua tìm hiểu, cơ sở điều trị methadone cho người nghiện thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội). Mục tiêu của điều trị duy trì bằng thuốc methadone là giảm hoặc ngừng sử dụng bất hợp pháp heroine và các chất dạng thuốc phiện khác nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Đáng chú ý, quá trình hoạt động, Công an Q.Hà Đông từng phát hiện cơ sở này là địa điểm để người nghiện lợi dụng để vi phạm pháp luật. Tại các quán nước trước cửa cơ sở hoặc thậm chí ngay trong cơ sở, các đối tượng thường tụ tập, rủ rê, lôi kéo các đối tượng khác giao dịch, mua bán trái phép chất ma túy.
Khi tiếp nhận trường học và thấy cạnh tường rào là cơ sở điều trị methadone cho người nghiện, bà Đỗ Diệu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hà Đông, thấy trăn trở, lo lắng. Bởi lẽ, các em học sinh theo học tại trường đang trong lứa tuổi phát triển về mặt tâm lý, nhận thức.
Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn đến với các học sinh ngoài giờ học, bà Hằng cho biết, nhà trường sẽ phối hợp với các phụ huynh để quản lý chặt chẽ khoảng thời gian trước khi học sinh vào lớp và sau khi tan học.
"Nhà trường cũng sẽ thông báo cụ thể thời gian học tập, thông tin kịp thời các hoạt động để phụ huynh có thể phối hợp quản lý giờ giấc của học sinh. Tránh tình huống học sinh la cà ở khu vực ngoài nhà trường", bà Hằng nói.
Kiến nghị từ 4.2023 nhưng chưa thành
Có con học lớp 6 tại Trường THCS Hà Đông, chị Bùi Thị Huyền (38 tuổi, người địa phương) cho biết khi về trường tham quan, chị rất yên tâm với cơ sở vật chất, môi trường và nền tảng giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, điều khiến chị lo lắng nhất là cơ sở cho người nghiện cách trường "chỉ vài bước chân". Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường học tập, sinh hoạt của các học sinh.
"Con tôi đang ở độ tuổi rất tò mò, nhìn thấy cơ sở cho người nghiện ngay bên cạnh thì dễ có suy nghĩ muốn tìm hiểu. Rồi khi bước ra khỏi cổng trường, không chịu sự quản lý của thầy cô thì tôi cũng không yên tâm. Cơ sở này có rất nhiều người nghiện đến nhận thuốc về điều trị bệnh, do đó dễ phát sinh các tình huống mà mình không thể lường hết được", chị Huyền bày tỏ.
Một phụ huynh khác mong muốn phía ban giám hiệu và cơ quan chức năng có động thái tích cực nhằm thúc đẩy môi trường trong và ngoài nhà trường được lành mạnh, an toàn, để các học sinh được vui chơi, học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế Q.Hà Đông (thuộc UBND Q.Hà Đông), cho biết trên địa bàn có 2 cơ sở điều trị methadone cho người nghiện đều trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trong đó, một cơ sở nằm sát Trường THCS Hà Đông đang cấp thuốc điều trị cho khoảng 200 người nghiện, một cơ sở thuộc Trung tâm Y tế Q.Hà Đông (P.Phú Lương).
Để đảm bảo công tác quản lý, không làm ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi Trường THCS Hà Đông đưa vào sử dụng, hồi tháng 4.2023, Q.Hà Đông đã kiến nghị Sở Y tế Hà Nội nghiên cứu, có phương án sắp xếp lại cơ sở điều trị methadone cho người nghiện cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Bình luận (0)