Sáng 29.9, trong khuôn khổ Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, năm 2024 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ ban ngành liên quan cùng tham dự.
Nhiều câu hỏi nóng về bạo lực học đường
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội giả định Lê Gia Vinh cho biết, căn cứ vào đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em, ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ em, Tổng thư ký Quốc hội trẻ em đã tổng hợp 6 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trẻ em. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 2 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn là "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".
Tại phiên chất vấn, các đại biểu trẻ em đặt ra rất nhiều câu hỏi nóng về bạo lực học đường với phần lớn câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng GD-ĐT trẻ em. Em Trần Thị Tuyết My (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: "Tình trạng bạo lực học đường đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Gần đây, có một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội. Xin bộ trưởng cho biết nhận định của bộ trưởng về thực trạng nêu trên, nếu đúng như vậy xin bộ trưởng phân tích và làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên?".
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định, ngành giáo dục và đào tạo cũng rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để có những giải pháp hỗ trợ học sinh về tâm lý học đường, tuy nhiên việc này chưa được triển khai rộng rãi.
"Chúng tôi thấy rằng, đây cũng là điểm hạn chế cho nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tăng cường triển khai và giải quyết kịp thời hơn những vấn đề tâm lý phát sinh của học sinh", Bộ trưởng GD-ĐT giả định Trần Bình Minh nói.
Cho rằng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định Trần Bình Minh chưa đánh giá đúng mức về tác động của tâm sinh lý đến bạo lực học đường, em Đậu Khắc Gia Bảo (Quảng Trị) đề nghị bộ trưởng phân tích sâu hơn về nguyên nhân và đồng thời có giải pháp tương xứng.
Còn em Trần Nguyễn Nhật Linh (Vĩnh Phúc) thì nhìn nhận, nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường là do tác động tiêu cực của các sản phẩm độc hại trên không gian mạng. Do đó, em Linh đề nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT giả định Trần Lê Hà Vy cho biết đã thực hiện những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT giả định thừa nhận: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả cũng còn chưa đạt được như mong muốn ở một số nơi, một số đối tượng. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và bảo vệ người dùng, đặc biệt là học sinh, trẻ em trên không gian mạng, với mục tiêu giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ không gian mạng lên đời sống xã hội".
'Trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực"
Phát biểu sau phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng những vấn đề được chất vấn tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em không phải giả định mà có thật, đang xảy ra trong cuộc sống.
Đánh giá cao những ý kiến chất vấn, phần trả lời chất vấn trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: "Chúng ta phải thống nhất, khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, không có chỗ cho tệ nạn, và những nguy cơ trước tác hại của thuốc lá, chất kích thích".
Bộ trưởng Sơn nhìn nhận, các em đã hỏi, trả lời động chạm đến rất nhiều vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hiện nay vẫn còn tình trạng bạo lực học đường.
"Các trường học của chúng ta vẫn đang đổi mới, bầu không khí trong lành, tốt đẹp vẫn ngày ngày đang diễn ra. Để cho môi trường học đường được tốt đẹp, lành mạnh, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó, người lớn, bao gồm: phụ huynh, người đứng đầu trường học, cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo có lúc, có nơi chưa sát sao.
"Nếu các gia đình không có bạo lực cũng sẽ góp phần hạn chế rất nhiều bạo lực học đường. Thực tế cho thấy một tỷ lệ rất lớn các em có hành vi bạo lực với bạn phần lớn là có đời sống gia đình không hạnh phúc. Việc chứng kiến bạo lực gia gia đình, bố mẹ không hạnh phúc khiến các em tổn hại về tâm sinh lý", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng, các thầy, cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường hơn nữa các kỹ năng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bạo lực học đường cũng xuất hiện yếu tố phi truyền thống, với các biểu hiện: bắt nạt trực tuyến; khủng bố tâm lý, các nhóm học sinh nữ đánh bạn tập thể quay video clip đăng lên mạng. Đây là những hành động rất đáng lên án.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong tất cả các bên liên quan để đẩy lùi bạo lực học đường, bản thân các em học sinh đóng vai trò quan trọng nhất. Người cần phải làm nhiều việc nhất không ai khác chính là các em.
"Nếu như các em học tập thật tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ thì chắc chắn không thực hành bạo lực người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng tự giải quyết vấn đề của mình, không tham gia vào bạo lực thì bạo lực cũng không có chỗ trong học đường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)