Thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu |
Tại Hội thảo khoa học và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong, tổ chức ngày 30.3 ở TP.HCM, nhiều đại biểu khẳng định Thanh niên xung phong là một “trường học lớn”, là nơi xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, thanh niên nhiệt huyết xây dựng, bảo vệ đất nước.
Luôn giữ tinh thần “xung phong”
|
Nói về vai trò của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nguyễn Anh Liên khẳng định trong kháng chiến, nhất là trong các chiến dịch, nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm các trọng điểm giao thông quan trọng không kém việc chỉ đạo chiến đấu. Lực lượng TNXP đã thực sự đem lại tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ đã dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng quân đội lập nên các chiến công hiển hách. Được sống và chiến đấu, rèn luyện trong trường học lớn, TNXP đã trưởng thành với phẩm chất cách mạng vừa hồng vừa chuyên.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hai cuộc kháng chiến đã đi qua, hàng vạn TNXP từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chấp nhận hy sinh để mọi con đường ra tiền tuyến được nối thông và cũng gắn liền với lịch sử hào hùng của TNXP ngành GTVT. Chỉ có sức người, trong tay chỉ là phương tiện thô sơ nhưng với tinh thần yêu nước, hàng vạn TNXP đã góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Ông Trần Phú Lữ, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP TP.HCM, khẳng định TNXP là “trường học lớn” khi đã giáo dục, rèn luyện và đào tạo một lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và giàu mơ ước, góp phần hình thành nên một đội ngũ lao động mới, có văn hóa, kiến thức chuyên môn. Những năm sau ngày thống nhất đất nước 1975, những đôi tay của lực lượng TNXP TP đã tác động vào những nơi hoang hóa, đầm lầy thành những ruộng ngô, bãi mía và các loại cây ăn trái khác. TNXP còn giáo dục những thanh niên bị xem là tệ nạn xã hội, khiếm khuyết về nhân cách, giúp đỡ để họ trở thành những công dân lương thiện, người có ích.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (ngoài cùng bên phải) và Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai (thứ 2 từ trái qua) trò chuyện với các cựu TNXP - Ảnh: Đình Quân
|
Cần rà soát lại các chính sách
Với những đóng góp to lớn như vậy nhưng ở hội thảo, nhiều đại biểu băn khoăn đến nay công lao của TNXP vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nguyễn Anh Liên bày tỏ trăn trở: “Tại sao với những đóng góp lớn lao như vậy, TNXP được coi như bộ đội Cụ Hồ, nhưng suốt nửa thế kỷ qua TNXP không có được một tấm huy chương trên ngực đối với người còn sống và trên bàn thờ những người đã hy sinh. Tại sao chủ trương xây dựng tượng đài TNXP Điện Biên Phủ cách đây 20 năm đến nay vẫn chưa thực hiện được”.
GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận T.Ư, cho rằng hội thảo có ý nghĩa chính trị đặc biệt sâu sắc và đây là sự “thai nghén” suốt hơn 20 năm qua, từ khi có ý tưởng thành lập Hội Cựu TNXP VN. Hội thảo cũng là nhằm tìm ra giải pháp làm thế nào trả được món nợ tình nghĩa đối với đồng đội đã hy sinh và đồng đội còn sống.
“66 năm kể từ ngày thành lập, lực lượng TNXP đã góp phần chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự ra đời của TNXP là một trang sử vẻ vang của thanh niên VN. TNXP là một trường đại học lớn, nơi đào tạo, huấn luyện lớp cán bộ vừa hồng vừa chuyên cho đất nước”, ông Phú khẳng định và đề nghị hội thảo phải có kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục rà soát lại các chính sách liên quan đến lực lượng TNXP, phải chăm lo tốt cuộc sống của các cựu TNXP và gia đình như truyền thống “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của VN.
Hội thảo do Hội Cựu TNXP VN, T.Ư Đoàn và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Phan Diễn, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng...
|
Bình luận (0)