Vướng mắc trong tổ chức thực hiện
Bộ Tài chính cho hay việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự thực hiện theo quy định tại Nghị định 30/2018 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2019) và Thông tư 30/2020 của Bộ Tài chính. Các trường hợp thành lập Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng ở các cấp đã được quy định rõ ràng, cụ thể, không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Dù vậy, thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được một số phản ánh như: việc trưng cầu định giá đôi khi chưa phù hợp với cấp hội đồng định giá theo quy định; một số hội đồng định giá, nhất là hội đồng định giá cấp bộ, thường có thành phần nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nên việc cử người cũng như rà soát đối tượng tham gia hội đồng chậm, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện chung.
Hay công tác định giá tố tụng hình sự hầu hết là thời điểm định giá trong quá khứ, việc cung cấp và thu thập các thông tin liên quan đến tài sản cần định giá trong quá khứ, nhất là các thông tin giao dịch của các tài sản so sánh, thông tin hiện trạng của tài sản, hồ sơ tài sản qua các năm gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác; một số tài sản có giá trị lớn, yêu cầu định giá tại nhiều thời điểm khác nhau nhưng cơ sở pháp lý về tài sản không rõ ràng; một số tài sản bị mất, thất lạc, bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ, tài sản không còn hồ sơ, tài liệu đi kèm, tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường... cũng gây khó khăn, lúng túng cho các hội đồng khi thực hiện khảo sát, thu thập thông tin và lựa chọn phương pháp định giá tài sản...
Đặc biệt, số lượng các vụ án hình sự được yêu cầu định giá tài sản tăng nhiều trong 2 năm trở lại đây, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., nên nhiều trường hợp tạo áp lực về thời gian và tiến độ đối với cả hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh và cấp bộ.
Theo Bộ Tài chính, nhìn chung hệ thống văn bản về định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã được ban hành đầy đủ. Các vướng mắc nêu trên chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện hoạt động định giá trong tố tụng hình sự. Vì vậy, ngoài việc kịp thời trả lời về vướng mắc và hướng dẫn các đối tượng liên quan (gồm cả đơn vị trưng cầu và đơn vị được trưng cầu định giá), Bộ Tài chính cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động, hội nghị về vấn đề này.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở các cấp, trường hợp cần thiết sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 30/2018 và Nghị định 97/2019.
ĐÃ CÓ QUY ĐỊNH VỀ XÃ HỘI HÓA GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Như ở bài viết trước, Thanh Niên dẫn phản ánh từ Sở Tài chính TP.HCM cho thấy công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập như thiếu máy móc, chế độ bồi dưỡng thấp; cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cũng như đãi ngộ tương xứng trong hoạt động này.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động để bảo đảm nguồn lực cho công tác giám định tư pháp, kịp thời tháo gỡ, bổ sung vướng mắc về kinh phí để góp phần đảm bảo nguồn lực cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Trong đó, luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định 157/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2013) đã có những quy định về xã hội hóa giám định tư pháp như điều kiện, cấp phép thành lập, đăng ký hoạt động văn phòng giám định tư pháp (được tổ chức và hoạt động theo luật Doanh nghiệp). Luật cũng quy định về kinh phí, trang thiết bị của tổ chức giám định tư pháp công lập; hoặc việc trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp...
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, Bộ Tài chính đã chủ trì ban hành hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác giám định tư pháp như Nghị định 81/2014, Thông tư 215/2015 của Bộ Tài chính, Quyết định số 01/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 250/2018 phê duyệt đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp..., trong đó giao các bộ, cơ quan chủ trì thực hiện liên quan đến chế độ bồi dưỡng, tập huấn giám định tư pháp, trang thiết bị phục vụ giám định.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu xây dựng dự án Pháp lệnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch và các chi phí tố tụng khác...
GIẢI ĐÁP VIỆC ĐỊNH GIÁ TRƯỚC NGÀY 1.1.2018
Vẫn theo Sở Tài chính TP.HCM, cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự đang gặp khó khăn trong việc định giá tài sản giá trị doanh nghiệp tại các thời điểm trước ngày 1.1.2018 (thời điểm Thông tư 122/2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành).
Đề xuất xây dựng pháp lệnh về chi phí tố tụng
TAND tối cao đang chủ trì xây dựng Pháp lệnh chi phí tố tụng, quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, chi phí cho người dịch thuật, chi phí cho người chứng kiến, chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định bào chữa…
Bên cạnh đó, TAND tối cao cũng đề xuất nghiên cứu, quy định việc thành lập hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng để hội đồng thực hiện việc thu tạm ứng và chi phí định giá.
Bộ Tài chính thông tin với hoạt động thẩm định giá tài sản nói chung, trước thời điểm ban hành Thông tư 122/2017, phương pháp thẩm định giá các loại tài sản (trong đó có việc thẩm định giá doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp) được thực hiện theo Thông tư 126/2015, Thông tư 145/2016 và Thông tư 06/2014 của Bộ Tài chính.
Đối với hoạt động định giá trong tố tụng hình sự, việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự thực hiện theo quy định tại Thông tư 30/2020 của Bộ Tài chính, Nghị định 30/2018 và Nghị định số 97/2019 của Chính phủ. Trong đó, Nghị định 30/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; căn cứ, phương pháp định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Tại thời điểm chưa có Thông tư 122/2017, việc thực hiện định giá tài sản của hội đồng định giá không chỉ căn cứ vào phương pháp thẩm định giá tại tiêu chuẩn thẩm định giá mà còn căn cứ vào phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá. Hệ thống văn bản quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 59/2011) cũng quy định 2 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cần nghiên cứu kỹ quy định tại điều 15, điều 17 Nghị định 30/2018 và các tiêu chuẩn thẩm định giá về các phương pháp thẩm định giá có hiệu lực tại thời điểm định giá trong tố tụng hình sự để thực hiện theo quy định của pháp luật. (còn tiếp)
Bình luận (0)