Nếu tính đúng, lấy tiền đâu trả ?
|
“Thù lao vượt giờ là do từng trường định ra. Nếu áp theo quy định Bộ LĐ-TB-XH thì thù lao vượt giờ phải gấp rưỡi, gấp đôi. Nhưng thù lao chuẩn của một giờ dạy là bao nhiêu thì không có quy định. Nếu lấy lương cả năm của một GV chia cho 270 giờ thì thù lao của mỗi giờ lên đến hàng trăm nghìn đồng. Nếu thế thì các trường lấy đâu ra! Đành phải đưa ra một mức vừa phải trong quy chế chi tiêu nội bộ, phổ biến từ 60.000 - 80.000 đồng/tiết, tùy theo chức danh”, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tính toán: “Một tiến sĩ vừa về trường làm việc có hệ số 3.3, trừ các khoản bảo hiểm thì được nhận 4 triệu đồng/tháng. Cộng với 40% đứng lớp là 1,6 triệu đồng, thành 5,6 triệu đồng. Cứ dạy đầy đủ mỗi tháng thì được nhận thêm khoảng 2 triệu đồng khoản phụ cấp đứng lớp, thêm vài khoản linh tinh nữa, là khoảng 8 triệu đồng/tháng”. Theo GS Thái, khả năng cải thiện thu nhập của GV là không thể.
Còn GS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, cho hay: “Về đội ngũ các thầy cô lớn tuổi, có vị trí trong trường thì chúng tôi tạm yên tâm vì thu nhập của họ cũng tạm đủ sống ở một tỉnh lẻ. Nhưng những người trẻ thì chúng tôi rất lo. Họ trẻ nên chúng tôi phải cho đi học để nâng cao trình độ, nhưng lại lo thon thót vì sợ học xong họ sẽ không về. Vừa rồi có một thạc sĩ, chuyển xuống Hà Nội làm ở một bệnh viện, lương 40 triệu đồng/tháng. Nếu thạc sĩ này ở lại trường thì lương chỉ được 5 - 6 triệu đồng/tháng, chúng tôi giữ làm sao được!”.
Không nghiên cứu khoa học đúng nghĩa
Ngoài ra, do lương thấp nên nhiều GV không tập trung nghiên cứu khoa học, phải tìm mọi cách để bù giờ nghiên cứu theo quy định.
Theo quy định, GV phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc cho hoạt động nghiên cứu khoa học, được thể hiện qua sản phẩm nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên các trường có quy định khác nhau về cách tính giờ nghiên cứu khoa học cho GV, thậm chí quy đổi bằng những hoạt động khác, như viết giáo trình và tài liệu học tập cho sinh viên, đọc hoặc dự chuyên đề bồi dưỡng cán bộ, thuyết trình cho hội thảo tổ chuyên môn.
tin liên quan
Giảng viên vật lộn giữa nghiên cứu và mưu sinhTừ hàng chục năm nay, bức tranh đời sống của giảng viên các trường ĐH gần như không thay đổi.
Thậm chí nhiều trường có giải pháp sau cùng để “cứu” GV không hoàn thành định mức. Cụ thể, những GV chưa đủ số giờ nghiên cứu sẽ được tính bù bằng giờ dạy vượt chuẩn theo quy tắc: 1 giờ chuẩn giảng dạy bằng 2 - 3 giờ nghiên cứu khoa học.
Còn theo tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học mới đây của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chỉ 20% GV thực hiện nghiên cứu thực sự. “Chất lượng đề tài nghiên cứu còn thấp, kết quả đề tài chưa đảm bảo để công bố tại các tạp chí quốc tế. Nội dung đề tài các cấp chưa đáp ứng yêu cầu chuyển giao công nghệ, chưa bám sát nhu cầu cải tiến và đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất. Đề tài cấp trường còn hạn chế về giá trị khoa học và tính thực tiễn”, đại diện trường nhìn nhận.
Tăng thu nhập nhờ hoạt động nghiên cứu
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, “Nếu được tham gia thực hiện một đề tài nghiên cứu tốt, GV có thể thu nhập thêm 10 - 12 triệu đồng/tháng”. Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết mục tiêu phấn đấu của trường trong 3 - 5 năm tới là có thể trả lương cho tiến sĩ mức 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Còn GS Đỗ Đức Thái cho biết ở Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 70 GV nhưng chỉ khoảng 30 GV được tham gia các đề tài nghiên cứu. Nhờ đó, số GV này sẽ được thêm khoảng 40 triệu đồng/năm/người.
|
Bình luận (0)