(TNO) Phương án tinh giản nhân sự Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam vẫn đang chờ phê duyệt của UBND tỉnh, nhưng “số phận” của 118 giảng viên, nhân viên gần như đã được định đoạt do không tuyển đủ sinh viên.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam đang loay hoay giải bài toán thừa giảng viên, thiếu sinh viên |
Hụt chỉ tiêu do… cơ chế tuyển sinh?
“Cơ chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm nay quá dễ cho những sinh viên muốn vào đại học nên các trường đại học khỏe, còn cao đẳng và trung cấp chết”, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, nêu một trong những nguyên do khiến trường đang rơi vào tình cảnh báo động đỏ.
Đến thời điểm này, trường mới tuyển được hơn 1.300 sinh viên cao đẳng và trung cấp, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2015 lên đến 3.750 sinh viên.
Một tác động mang tính dây chuyền đang gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của 118 giảng viên, nhân viên hợp đồng có thời hạn.
“Nếu chúng tôi tuyển sinh đủ chỉ tiêu, mỗi năm UBND tỉnh Quảng Nam cấp 11 tỉ đồng. Nhưng nếu tuyển thiếu, trường sẽ bị tỉnh… khấu trừ, cứ hụt một sinh viên sẽ bị trừ 7,5 triệu đồng”, ông Dũng nói.
Ngân sách tỉnh cấp bị hụt, trong khi nguồn thu của trường không cao (khoảng 17 tỉ đồng/năm) nên nhà trường buộc phải cân nhắc, nhất là khoản chi trả lương cho 341 cán bộ, nhân viên mỗi tháng ngốn 1,9 tỉ đồng .
“Trống vắng” tại văn phòng giao dịch và tư vấn tuyển sinh
|
Mặc dù trường tích cực làm thêm nhiều dịch vụ, như liên kết đào tạo và một số dịch vụ khác, nhưng các khoản này cũng chỉ mang về được hơn 2 tỉ đồng/năm.
Một cán bộ chua chát nói: “Thậm chí, chúng tôi gần như đề nghị các địa phương thuê mình làm các đề tài nghiên cứu để kiếm thêm nguồn, đang có 4 đề tài cấp huyện và 1 đề tài cấp tỉnh”.
“Anh biết đó, từ 8.000 sinh viên tuyển được năm ngoái, quy mô bây giờ giảm hơn một nửa. Đội ngũ cán bộ rõ ràng bị dư thừa, có muốn giữ lại thì họ cũng không có việc”, ông Dũng tâm sự.
Một phương án xấu nhất đã được soạn thảo để tính toán cho nghỉ việc đối với 118 giáo viên, người lao động thuộc diện hợp đồng có thời hạn lần lượt từ nay đến cuối năm 2017. Trước mắt, năm 2015 sẽ có 44 người mất việc.
Các thông tin quảng bá về quyền lợi của trường không còn hấp dẫn sinh viên như trước
|
Mỗi năm “mất” cả nghìn sinh viên
“Phương án tinh giản của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam đang nằm trên bàn của tôi đây. Chúng tôi đang chỉ đạo Sở Nội vụ và các ngành liên quan rà soát, đầu tuần sau cử một tổ công tác xuống làm việc cụ thể với trường để xử lý”, ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói với PV Thanh Niên Online sáng nay 23.10.
Theo ông Nguyễn Chín, việc nhà trường đang quản lý số lượng giảng viên và người lao động lớn có nguyên nhân “bùng nổ” tuyển sinh từ 3 - 4 năm trước.
“Thời điểm đó, Ban giám hiệu nhà trường hợp đồng với nhiều người để đảm bảo tỉ lệ giáo viên cho số lượng sinh viên đông. Bây giờ, khi lượng sinh viên giảm, họ phải tính toán lại các hợp đồng vì là đơn vị sự nghiệp có thu”, ông Chín phân tích.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chín cũng đánh giá đây là hậu quả của khâu dự báo tuyển sinh.
“Nhiệm vụ của mỗi đơn vị sự nghiệp là phải dự báo xu thế lâu dài. Như vậy, rõ ràng công tác dự báo về khả năng tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam chưa tốt”.
Trên thực tế, hậu quả thiếu hụt trầm trọng sinh viên của trường bây giờ không khác gì một “cái chết được báo trước”. Liên tiếp trong nhiều năm, năm nào cũng thiếu cả nghìn chỉ tiêu.
Thời kỳ hoàng kim của trường phải dừng ở năm học 2010 - 2011 trở về trước, mỗi năm thu hút đến cả chục nghìn người. Nhưng từ năm 2012, cuộc lao dốc bắt đầu với 71,6% chỉ tiêu tuyển sinh được.
Năm 2013, trường chỉ cán mức 65,8%, và bi đát hơn khi năm 2014 chỉ tuyển được 46,6% chỉ tiêu. Chưa kể, tình trạng bỏ học giữa chừng diễn ra âm ỉ với 500 sinh viên/năm.
Nỗ lực tự cứu có thành công?
Nỗ lực tự cứu của nhà trường đã không được như mong muốn, dù đã làm mọi cách như linh hoạt trong hình thức tuyển sinh (chỉ xét tuyển cao đẳng đối với thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia ở cụm do các trường đại học tổ chức), đưa nhiều đoàn cán bộ đến các trường THPT làm công tác tư vấn, quảng bá rộng khắp về cơ hội nghề nghiệp…
Tuy nhiên, một thương hiệu tồn tại 45 năm ở khu vực miền Trung - Tây nguyên đã ngày một nhạt nhòa.
Những thông tin “hấp dẫn” đang trưng trên tấm pano trước cổng, như thu học phí thấp, giảm 50% học phí cho học sinh - sinh viên diện hộ nghèo và cận nghèo, Nhà nước cấp kinh phí đào tạo cho 700 chỉ tiêu có hộ khẩu thường trú Quảng Nam, được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Nhật Bản, Đức…) dường như đã mất hẳn tính thời sự.
Trước mắt, họ đang xử lý vấn đề còn thời sự hơn: tinh giản giáo viên.
“Ngoài các chính sách của Nhà nước, chúng tôi đang tính nguồn để hỗ trợ cho anh chị em bị cắt hợp đồng để đi tìm việc mới. Vì cũng không còn cách nào khác”, ông Nguyễn Anh Dũng buồn bã chia sẻ.
Bình luận (0)