Xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2:

Trương Mỹ Lan xin hủy bỏ kê biên 'siêu' dự án Ngọc Viễn Đông

30/09/2024 15:49 GMT+7

Đối với dự án phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng dự án thành công sẽ mang lại nguồn lợi lớn, không dưới 50.000 tỉ đồng. Bị cáo sẵn sàng đưa vào khắc phục hậu quả và đi làm từ thiện.

Ngày 30.9, trong phiên tòa ngày thứ 8 của TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", bị cáo Lan xin gỡ bỏ hàng loạt lệnh kê biên tài sản để chuyển nhượng, lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Mối quan hệ giữa Trương Mỹ Lan và Vietcombank

Tại buổi làm việc sáng nay, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan liên quan tới 18% cổ phần vốn góp tại Vietcombank - Bonday - Bến Thành.

Trương Mỹ Lan xin hủy bỏ kê biên 'siêu' dự án Ngọc Viễn Đông- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo cáo trạng, Bộ Công an đã kê biên 18% cổ phần tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành (VBB). Số cổ phần này do bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TP.HCM (Setra) nắm giữ.

Tại phiên tòa, đại diện VBB xác nhận thông tin trên. Đại diện của pháp nhân này đề nghị HĐXX xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên số tài sản trên và cho chuyển nhượng phần vốn góp trên. Đồng thời, ngân hàng này đã thuê đơn vị thẩm định, 18% cổ phần trên có giá hơn 920 tỉ đồng, chứng thư thẩm định giá đã được gửi tới tòa.

Khi được hỏi, đại diện Công ty Setra nói trên giấy tờ không thể hiện tổ chức này đứng tên thay bị cáo Trương Mỹ Lan.

Số phận khối tài sản ‘siêu khủng' của Trương Mỹ Lan sẽ ra sao?

Chủ tọa nêu giữa Vạn Thịnh Phát và Vietcombank có ký thỏa thuận chuyển nhượng 18% vốn góp để khắc phục hậu quả. Tại tòa, đại diện Setra nói 2 bên đã thống nhất được mức giá là hơn 920 tỉ đồng và đang chờ các thủ tục chuyển nhượng.

HĐXX hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về phần vốn góp 18% tại VBB. Theo bị cáo Lan, nguồn gốc của phần vốn góp đó là tài sản của mẹ bị cáo. Dù số tài sản này không liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng bị cáo Lan vẫn mong muốn đưa vào để khắc phục hậu quả vụ án.

Về phương án giải quyết, bị cáo Lan nói muốn tổ chức đấu giá, không muốn thỏa thuận.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX giải tỏa nhiều tài sản của mình để khắc phục hậu quả, bồi thường cho các trái chủ.

Đưa tài sản khắc phục hậu quả, không có nhu cầu xài cá nhân

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã kê biên hàng loạt tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, trong đó có dự án phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (TP.HCM).

Cụ thể, cơ quan điều tra đã kê biên 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (trị giá hơn 4.580 tỉ đồng) do bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH phát triển hạ tầng Bến Nghé đứng tên.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên khối tài sản trên.

Theo bị cáo Lan, hiện dự án đã bồi thường xong 30 ha, tiền để thực hiện hoàn toàn là tiền của gia đình bị cáo Lan, không liên quan tới SCB.

Về nguồn gốc hình thành dự án Ngọc Viễn Đông, bị cáo Lan khai bản thân có góp vốn khoảng 2.000 tỉ đồng (chiếm 50% giá trị dự án), phần còn lại do một đại gia nước ngoài góp, hoàn toàn không liên quan tới Vạn Thịnh Phát.

"Nếu dự án thành công sẽ mang lại nguồn lợi lớn, không dưới 50.000 tỉ đồng. Bị cáo sẵn sàng mang vào khắc phục hậu quả, còn không khắc phục thì sẽ mang đi làm từ thiện chứ bị cáo không có nhu cầu tiêu xài cá nhân", bị cáo Lan trình bày.

Bị cáo Lan nhiều lần nhắc lại nếu không khắc phục hậu quả vụ án thì sẽ đem đi xây trường học, bệnh viện, không tiêu xài vào mục đích cá nhân.

Công ty Hòa Thịnh Phát không có giá trị nhiều

Về 100% cổ phần tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại dịch vụ Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân khai không nhớ rõ cụ thể cổ đông là ai, sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn góp. Theo bị cáo Vân, công ty này là của bà nội lập nên, "là công ty gia đình nên cổ phần chuyển tới chuyển lui giữa các thành viên trong gia đình".

Bị cáo Vân trình bày: "Công ty Hòa Thịnh Phát không có giá trị gì nhiều, chỉ có giá trị truyền thống. Sau này bị cáo có cơ hội thì được tiếp tục xây dựng dựa trên công ty này".

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả, bị cáo Vân cho biết: "Vì đây là công ty gia đình, bị cáo chưa thảo luận với gia đình nên bị cáo chưa biết, cô Lan luôn có mong muốn khắc phục, nhưng cái này ngoài quyền quyết định của bị cáo".

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khẳng định Công ty Hòa Thuận Phát 100% là công ty gia đình, có truyền thống lâu đời.

HĐXX hỏi bị cáo Lan có đồng ý đưa 100% cổ phần Công ty Hòa Thuận Phát vào để khắc phục hậu quả vụ án hay không, bị cáo Lan xin hủy bỏ kê biên "vì bán không ai mua, nhưng truyền thống của cả gia tộc. Cái này không đưa vào khắc phục vì không bao nhiêu so với những cái bị cáo tự nguyện đưa vào khắc phục".

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản, tài khoản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, những người được bị cáo Lan nhờ đứng tên và các bị cáo khác.

Cụ thể, cơ quan điều tra thu giữ 224 tỉ đồng của bị cáo Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỉ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và gần 262.000 USD.

Đồng thời, ra lệnh kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị cáo Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được bị cáo Lan nhờ đứng tên có tổng giá trị quy đổi khoảng 12.313 tỉ đồng tại nhiều tập đoàn, công ty; kê biên 9 bất động sản của bị cáo Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.