Đó là nhận định của đại diện nhiều trường CĐ, trung cấp và các doanh nghiệp có mặt trong buổi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phát triển bền vững bộ phận kết nối doanh nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, do Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng nay 21.7.
Liên hệ với doanh nghiệp trên danh nghĩa cá nhân
Có mặt tại hội thảo, đại diện Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau, nhận định: “Ở các thành phố lớn không biết việc kết nối với doanh nghiệp có dễ dàng không, chứ tại tỉnh chúng tôi, việc quan hệ với doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Nếu có thì chỉ là quen biết cá nhân của giảng viên hay khoa, chứ không có doanh nghiệp nào chủ động kết nối với trường cả. Trường cũng có liên hệ nhưng không được chào đón lắm, họ còn không muốn nhận sinh viên thực tập, chỉ cho sinh viên số liệu để báo cáo”. Rồi vị đại diện này tự lý giải, có tình trạng trên là doanh nghiệp chưa thấy được quyền lợi và hiệu quả trong việc liên kết với các trường, chưa có cơ chế để kết nối.
|
Hiện nay hầu hết các trường CĐ, trung cấp đều thấy được tầm quan trọng của việc kết nối với doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi trong việc này. Một giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp tại TP.HCM cũng thừa nhận, mỗi lần trường tổ chức hoạt động gì liên quan đến doanh nghiệp, khi mời doanh nghiệp đến đều phải dựa trên mối quan hệ cá nhân chứ nếu lấy danh nghĩa trường mời doanh nghiệp thì chưa chắc đã nhận được sự tham gia.
Bà Phương Thảo, đại diện Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, nêu một khó khăn khác, đó là không phải ngành học nào cũng dễ dàng gửi sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, kiến tập. “Những ngành mà doanh nghiệp đang thiếu lao động như du lịch, nhà hàng, khách sạn, điện, cơ khí thì họ sẵn sàng nhận, nhưng một số ngành như kế toán, công nghệ thông tin, kinh tế, luật... thì rất khó”.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam, cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa coi việc hợp tác với nhà trường, hướng dẫn sinh viên thực tập... là chiến lược phát triển nhân sự, nên cảm thấy mất công, mất sức, tốn chỗ ngồi khi tiếp nhận sinh viên đến.
Trường vẫn phải chủ động
Theo tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM là 544/203.674. Điều đó có nghĩa một trường sẽ có cơ hội hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp.
Muốn có được sự hợp tác, tiến sĩ Vân cho rằng các trường vẫn nên chủ động. “Đối với các Khoa chuyên môn, chủ động trong việc tìm kiếm đối tác có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với các ngành/nghề đào tạo của trường. Chủ động liên hệ và ký biên bản ghi nhớ hoặc hợp đồng về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo kỹ năng. Về phía doanh nghiệp, nên có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức như cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp. Tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Đỗ Thanh Vân chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô tấn Vũ Khanh, Tổng giám đốc Công ty Kaspersky Lab (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), nhìn nhận doanh nghiệp - nhà trường muốn gắn bó, kết nối lâu dài thì phải là mối quan hệ “win-win”, nghĩa là cả hai bên cùng có lợi, cùng thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình dành cho nhau.
Trên thực tế, chưa có chính sách cụ thể về việc doanh nghiệp tham gia hợp tác với nhà trường sẽ có quyền lợi gì, trách nhiệm ra sao. Vì vậy việc hợp tác vẫn chỉ là sự tự nguyện tự phát. Thông thường các trường lâu năm, có uy tín, hoặc cá nhân trong trường có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp, sẽ thuận lợi hơn để kết nối. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển nguồn nhân lực lâu dài mới quan tâm tới việc hợp tác này.
Bình luận (0)