Trường quốc tế AISVN: Không thể kéo dài giải pháp 'ăn đong'

17/04/2024 06:06 GMT+7

Gần 1.200 học sinh Trường quốc tế AISVN đã trở lại trường sau khi phụ huynh đóng góp kinh phí hơn 30 tỉ đồng hỗ trợ hoạt động để trả lương cho giáo viên. Nhưng tình hình hiện đang bấp bênh khi khoản kinh phí này không thể kéo dài việc học của toàn bộ học sinh.

BẤP BÊNH DUY TRÌ VIỆC HỌC

Ngày 4.4, học sinh (HS) Trường quốc tế AISVN trở lại trường sau thời gian gián đoạn do trường nợ lương giáo viên (GV). Để thực hiện được việc này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã lập một tài khoản ngân hàng đồng sở hữu 3 bên giữa Sở GD-ĐT, nhà trường, phụ huynh, với sự đóng góp kinh phí của phụ huynh, khi sau buổi làm việc ngày 30.3, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường, đề xuất hỗ trợ 125 tỉ đồng để duy trì hoạt động.

Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh Trường quốc tế AISVN

Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh Trường quốc tế AISVN

NHẬT THỊNH

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tính từ ngày 2.4 đến chiều 15.4, phụ huynh HS đóng góp hỗ trợ được khoảng 30,5 tỉ đồng. Hiện đã thực hiện việc chi trả lương tháng 1, tháng 2, tạm ứng lương tháng 3 tính theo ngày làm việc thực tế của giáo viên nước ngoài và giáo viên, nhân viên người VN cùng các phí vận hành như tiền điện, xe đưa đón… Ông Huy cho hay sau khi hoàn tất các khoản chi trên thì số dư của tài khoản nhận hỗ trợ của phụ huynh còn khoảng 3 tỉ đồng.

Trước thực tế khoản kinh phí phụ huynh đóng góp không thể kéo dài việc học của toàn bộ HS, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến và gửi thư ngỏ đến toàn bộ phụ huynh kêu gọi cùng chung tay đồng hành, đồng thuận và đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường, để việc học tập của HS trong những tháng cuối năm học 2023-2024 không bị gián đoạn.

Vấn đề duy trì việc học cho mục tiêu giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà nước; Vấn đề đầu tư, vay mượn giữa nhà trường và phụ huynh là quan hệ đầu tư, làm ăn, sẽ được giải quyết như quan hệ kinh doanh, dân sự thông thường, nằm ngoài trách nhiệm quản lý giáo dục.

Luật sư Nguyễn Thành Huân

Trong tình hình hiện nay, Ban giám hiệu Trường quốc tế AISVN đã xin phê duyệt và nhận được sự chấp thuận từ tổ chức Tú tài Quốc tế (IB) cũng như sự tham vấn từ Sở GD-ĐT để có kế hoạch kết thúc năm học 2023-2024 sớm hơn khoảng 1 tháng nhằm đảm bảo sự ổn định. Do đó, HS từ khối Khám phá đến lớp 11 sẽ hoàn thành chương trình học vào ngày 26.4; HS lớp 12 sẽ tiếp tục đến trường để tham dự kỳ thi IB như kế hoạch cho đến hết ngày 17.5.

Với khoản kinh phí phụ huynh đóng góp, GV người nước ngoài đã nhận đủ lương tháng 2 và tạm ứng lương tháng 3, theo thực tế ngày làm việc. Tuy nhiên, tuần qua đã có GV gửi mail cho phụ huynh HS của lớp mình dạy và thông báo sẽ không tiếp tục giảng dạy vì "tình hình vẫn chưa được cải thiện và có vẻ như không ổn do một số khoản thanh toán không đủ tiền".

CÓ THỂ ĐÌNH CHỈ, GIẢI THỂ TRƯỜNG

GV Trường quốc tế AISVN đình công thời điểm ngay giữa năm học. Do đó, ngay lập tức mọi quan tâm tập trung vào việc giải quyết "chuyện học" của HS. Một giải pháp tạm thời là đề nghị phụ huynh chung tay đóng góp để có 125 tỉ đồng nhằm duy trì việc dạy và học cho đến hết năm học. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên môn, sự đóng góp này hoàn toàn không phải là nghĩa vụ bắt buộc của phụ huynh. Đây là giải pháp "ăn đong", kêu gọi sự chung tay tự nguyện để giải quyết tình thế cấp bách. Còn để giải quyết tận gốc vấn đề thì cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Thành Huân, Giám đốc Công ty Luật sư 11, khi không đủ kinh phí để duy trì việc dạy học, chiểu theo quy định tại khoản 2 điều 49 và điều 50 luật Giáo dục, nhà trường sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục. Thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục là để nhà trường xử lý khắc phục các nguyên nhân. Hết thời hạn đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân thì sẽ bị giải thể theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 51 của luật này.

Do thiếu kinh phí để kéo dài việc giảng dạy, học tập nên trừ lớp 12, học sinh các khối khác sẽ hoàn thành chương trình vào ngày 26.4

Do thiếu kinh phí để kéo dài việc giảng dạy, học tập nên trừ lớp 12, học sinh các khối khác sẽ hoàn thành chương trình vào ngày 26.4

NHẬT THỊNH

CẦN PHÂN ĐỊNH 2 VẤN ĐỀ

Như vậy, theo luật sư Huân, lúc này trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước tập trung cho mục tiêu giáo dục chứ không phải giải quyết quan hệ tiền bạc giữa nhà trường và phụ huynh. Trong quyết định giải thể phải có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường.

Với vai trò tham mưu, giúp việc cho UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT đã kết nối để 7 trường quốc tế và hệ thống trường công sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ HS Trường quốc tế AISVN. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là giải quyết nơi học cho HS đã có giải pháp sẵn sàng. Có nhiều lựa chọn cho phụ huynh để việc học của con không gián đoạn, phù hợp với nhiều nhu cầu và điều kiện. Quyền lợi của GV, người lao động sẽ được giải quyết như chế độ của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp theo luật Lao động, luật Bảo hiểm xã hội, và cả luật Phá sản.

Như vậy, hành lang pháp lý bóc tách rất rõ ràng 2 vấn đề. "Vấn đề duy trì việc học cho mục tiêu giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà nước; Vấn đề đầu tư, vay mượn giữa nhà trường và phụ huynh là quan hệ đầu tư, làm ăn, sẽ được giải quyết như quan hệ kinh doanh, dân sự thông thường, nằm ngoài trách nhiệm quản lý giáo dục", Giám đốc Công ty Luật sư 11 viện dẫn.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thành Huân, việc tái cơ cấu, chuyển đổi khoản vay thành cổ phần, tài trợ khôi phục hoạt động, phá sản doanh nghiệp hay một giải pháp khác là chuyện thương lượng giữa nhà trường và phụ huynh, nằm ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục. Nếu không thương lượng được thì các bên sẽ có các giải pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi. Có thể khởi kiện tranh chấp tại tòa án hoặc tố giác nếu có đủ dấu hiệu hình sự.

Thanh tra toàn diện Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ và Trường quốc tế AISVN

Bên cạnh việc giao Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho HS, không để việc học của HS bị gián đoạn, UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT căn cứ các quy định thực hiện việc đình chỉ tuyển sinh trong năm học 2024 - 2025 đối với Trường quốc tế AISVN đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục. Đình chỉ hoạt động Trường quốc tế AISVN nếu không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự theo quy định.

Chính quyền TP giao Thanh tra TP tổ chức thanh tra toàn diện Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ và Trường quốc tế AISVN để xác định rõ, đầy đủ các vấn đề liên quan và có những biện pháp xử lý theo quy định.

Sở GD-ĐT hỗ trợ hoạt động, không thay thế chủ đầu tư điều hành

Ngày 14.4, trong thư gửi GV Trường quốc tế AISVN, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho rằng vào tháng 3, khi nắm bắt sự việc, Sở GD-ĐT đã "tổ chức buổi họp đầu tiên với thầy cô, để khẳng định rằng chúng tôi đến để hỗ trợ quý thầy cô, đảm bảo điều kiện tốt nhất giúp HS quay lại học tập tại trường. Một tài khoản đã thiết lập để vận động phụ huynh đóng góp và Sở GD-ĐT chỉ giám sát việc chi trả các khoản cần thiết để GV, nhân viên trường AISVN có thể hoạt động đến hết năm học".

Đồng thời Sở GD-ĐT khẳng định: "Chúng tôi giám sát, không phải là chủ tài khoản. Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát việc chi trả lương của nhà trường đúng đối tượng và đúng số tiền".

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT muốn làm rõ: "Ở đây, chúng tôi tìm một giải pháp giúp nhà trường có thể trở lại hoạt động bình thường để kết thúc năm học, không ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em, chứ chúng tôi không thay thế chủ đầu tư điều hành nhà trường. Chúng tôi giám sát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện những việc đảm bảo điều kiện cho GV và nhân viên".

Chính vì lẽ đó, Sở GD-ĐT khẳng định "tài khoản do phụ huynh đóng góp là để giúp duy trì việc học của HS đến hết năm học, tài khoản này không dùng để trả nợ thay cho chủ trường AISVN".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.