Trường Sa sau ngày tiếp quản - Kỳ 2: ‘Nước là máu’

24/04/2015 05:12 GMT+7

(TNO) 27 năm tham gia quân đội, 13 năm gắn bó với Trường Sa trên cương vị chỉ huy Lữ đoàn, Đại tá Phạm Công Phán (71 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) là một trong những người rành rẽ Trường Sa nhất.

(TNO) 27 năm tham gia quân đội, 13 năm gắn bó với Trường Sa trên cương vị chỉ huy Lữ đoàn, Đại tá Phạm Công Phán (71 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) là một trong những người rành rẽ Trường Sa nhất. 

 
Ông kể: Có những thời điểm, Trường Sa là cái gì đó rất xa xôi, chỉ lực lượng Hải quân biết đến và người ta thậm chí còn gọi bằng mật danh là “Quần đảo bão tố”.
Khăn mặt cắt 3
Hồi ấy, ngoài Trường Sa ai cũng nhớ khẩu hiệu “Nước là máu”. Đặc biệt vào mùa khô cữ tháng 5-6, nắng chang chang 38-40 độ, mọi téc chứa nước mưa đều cạn khô nên phải dùng nước từ tàu tiếp tế chuyển vào, màu đỏ lòm vì để quá lâu trong hầm đầy gỉ sắt.
Những can nước được đưa xuống hầm, khóa bằng 3-4 ổ khóa to đùng và mỗi sáng chỉ cấp 1 ca cho từng người dùng trong ngày, mỗi lần mở khóa phải có sự chứng kiến của 3-4 người, từ chỉ huy đảo cho đến cán bộ hậu cần, quản lý.
“Nước biển ăn mòn cả chất vải nên chiếc khăn mặt, cũng phải cắt làm 3, dùng dần dần”, đại tá Phán lắc đầu: “Bộ đội ra đảo, tháng đầu lên cân, tháng thứ 2 chững lại và tháng thứ 3 đều bị teo cơ. Cá biển đầy đấy, nhưng ăn uống không rau, thiếu chất nên cứ dính đến hải sản là đi kiết hàng loạt. Nói thì không tin nhưng có lúc thiếu muối ăn, anh em phải múc nước mặn phơi trên mặt sàn, lấy thứ hỗn hợp dính lại, để làm thành chất mặn lùa cơm”.
Với Thượng tá Lê Văn An, 17 năm làm đảo trưởng các đảo Trường Sa thì câu chuyện thiếu nước rất rành rẽ: “Đảo Song Tử Tây có giếng rỉ ra ít nước ngọt để tắm, một giếng nước lợ dùng trồng rau. Đảo Trường Sa thì giếng ít nước hơn. Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn thì chỉ có nước mưa dự trữ và tàu tiếp tế mang ra”.
Ông An bấm ngón tay nói vậy và kể: “Tôi làm đảo trưởng, ban đêm đi ngủ giữ chìa khóa téc nước, 4 giờ sáng ca gác gọi, tôi cùng đảo phó ra mở khóa téc nước, chứng kiến nuôi quân múc nước đun sôi, chia cho bộ đội và đổ gạo vào nồi nấu cơm. Phải rành rọt, bộ đội mới không tị nạnh”.
Có lần, trung tá Lê Hữu Dương, Lữ đoàn phó 146, ra kiểm tra đảo Sơn Ca. Thời điểm ấy đảo đang hiếm nước nên bộ đội đi làm nhiệm vụ ngoài biển về chỉ được cấp 1 ca nước, đủ nhúng khăn mặt lau người. Trung tá Dương cứ quen ở đảo có nước, vác cái chậu ra gọi: “An ơi! Cho tớ xin ít nước tắm!”.
Đảo trưởng Lương Văn An cực chẳng đã, đành nói thẳng: “Ở đây chúng em chỉ mỗi người 1 ca, ưu tiên Lữ phó 3 ca là tốt lắm rồi”, khiến Lữ đoàn phó tròn mắt: “Thế tớ tắm làm sao?”.
“Thủ trưởng mà lấy nhiều nước, anh em nó tị nạnh, Thủ trưởng mấy khi ra đảo, xin dành nước ngọt để ăn uống”, ông An chốt lời.
Chờ mưa
Bây giờ ngoài Trường Sa, chuyện thiếu nước vẫn còn hiện diện ở các đảo, nhất là đảo chìm. Tuy nhiên, so với những năm khi đất nước mới thống nhất thì bộ đội bây giờ sướng như... tiên, bởi ngoài các máy lọc nước cấp phát cho từng đơn vị trên đảo để cung cấp nước ăn uống, hệ thống trữ nước được chú trọng hơn bao giờ hết và mỗi mùa khô lại có những chuyến tàu chuyên dụng chở nước, lênh đênh hết điểm này điểm khác cấp phát.
Hồi mới tiếp quản, trong số 5 đảo nổi thì chỉ có Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết là có bể chứa nước xây từ thời chế độ cũ, mỗi bể chỉ khoảng 5 khối và dưới đáy là cả gang phân chim. Ngay lập tức, tàu vận tải phải chở gấp các téc đựng xăng dầu (15-20 m3) của chế độ cũ trong căn cứ quân sự Cam Ranh ra làm đồ chứa nước cho bộ đội đảo.
Thiếu tá Trần Văn Thế, nguyên Chủ nhiệm Công binh Lữ đoàn 146, nhớ lại thời điểm đầu năm 1976, chỉ huy Đại đội thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân (nay là Lữ đoàn 83) ra xây dựng củng cố doanh trại, hầm hào công sự trên đảo Song Tử Tây: “Bộ đội Công binh bưng bê khiêng vác trong điều kiện nắng nóng, nhưng khẩu phần nước cũng chỉ 1 ca/ngày y như bộ đội đảo, nên đêm nào cũng phải xì xụp chia nước trước”.
Ông kể rành rẽ: Nước ngọt chỉ có từ nước mưa dự trữ và tàu vận tải chở ra. Mùa mưa, anh em chờ được tắm mưa, háo hức hơn trẻ con chờ mẹ về chợ. Mùa khô, khi tàu chở nước ra, ai được cử làm nhiệm vụ vác nước thì sướng phải biết, bởi có vậy mới được lên tàu và được bộ đội tàu “tháo khoán” cho chút nước tắm ngay trên boong.
“Cơ số nước được cấp phát, bộ đội phải dùng dè sẻn, dùng đi dùng lại và cuối quy trình là... nộp lại nước đã sử dụng, để đảo tưới rau”, thượng tá Lương Văn An lắc đầu nhớ lại “chiến dịch đào giếng” trên các đảo nổi: chỉ huy đảo ra quyết định thành lập “Tổ tìm nước” gồm những anh em khỏe mạnh, có kinh nghiệm... đào giếng chỉ ăn và tìm chỗ nào cây mọc, để móc san hô tìm nước.
Cuốc, xẻng cho đến xà beng cạy đá san hô cứng đanh đều nảy đôm đốp, cong mẻ hết lượt. Da tay phồng rộp, máu tươi nắm cuốc xẻng tóe hết máu tươi nhưng đều vô ích. Mấy năm trời, rốt cuộc, Công binh phải đưa “thiết bị hiện đại” vào cuộc và duy nhất một chỗ trên đảo, ở độ sâu 5 mét có mạch nước trào lên.
Mừng điên cuồng, anh em vục ngay đầu xuống uống và nhất loạt nhổ ra bởi vị nước lờ lợ, đắng chát trong cổ họng. Không uống được thì mang... nấu cơm, nhưng cơm không chín nổi, cứ sống sượng mặn chát.
Thiếu tá Trần Văn Thế cười: “Anh em nảy ra sáng kiến lấy nước lợ để nhào bê tông, nhưng vữa không cứng, cứ bở ra bùng bục” và nghèn nghẹn: “Có lúc đảo hiếm nước nhưng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Toàn đơn vị phải họp lại, động viên - thuyết phục nhau chia khẩu phần nước ít ỏi của từng người, để có nước ngọt trộn bê tông”.
“Các đảo được Hậu cần đảm bảo 3-5 cơ số dự trữ cơ bản gồm gạo, thịt hộp, đường, sữa, muối, rau khô và thuốc y tế, để dùng trong trường hợp chiến đấu. Ở liền tù tì 2-3 năm ngoài đảo, thuốc lá, chè khô là những “đặc sản” được anh em quý nhất. Mỗi năm 1-2 chuyến tàu ra đảo, anh nào có người quen, đồng hương thì còn nhờ mua hộ. Số còn lại, cứ công kênh nhau đứng dưới xuồng, chìa tay lên xin thuốc lá, nhìn thương vô cùng. Hồi ấy anh em đi đảo, phụ cấp hằng tháng được gửi vào Ngân hàng ở Cam Ranh để lấy lãi, nhưng dịp đổi tiền 1985, có anh đi đảo cả chục năm bỗng thành tay trắng.
(Đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146)
 Bộ đội đảo Trường Sa tắm ở giếng nước lợ mới đào, 1988 - Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Chỉ những khi tàu tiếp tế từ đất liền ra, bộ đội đảo mới được ra tàu, tắm 1 trận nước ngọt đã đời (1988)- Ảnh: Nguyễn Viết Thái
 Lính đảo Sinh Tồn chờ đợi cơn mưa biển để tắm - Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 146
 Dự trữ nước bằng bao cao su - một hình thức trữ nước ngọt đang được Tổng cục Hậu cần triển khai tại nhiều đảo chìm Trường Sa (chụp tại đảo Thuyền Chài C, 12.2013) - Ảnh: Mai Thanh Hải
 Hiện tại các đảo vẫn chia nước đun sôi buổi sáng cho từng đơn vị vào phích để dùng trong ngày (chụp tại đảo Sơn Ca, tháng 4.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
 3 hình thức chứa trữ nước ngọt (téc nhôm, thùng nhựa, thùng tôn) tại đảo chìm Đá Đông A (ảnh chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
Đảo chìm Đá Nam thiếu nước ngọt nghiêm trọng nên phải dự trữ bằng các loại téc (ảnh chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
Đường ống dẫn nước vào bể, trên đảo An Bang (chụp tháng 12.2014) - Ảnh: Mai Thanh Hải
Hứng và dẫn nước ngọt từ trên mái nhà vào bể, trên đảo Phan Vinh - Ảnh: Mai Thanh Hải
 Các bể chìm trữ nước mưa, trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: Mai Thanh Hải
 PV Báo Thanh Niên cùng bộ đội hứng nước, trữ vào bể ngầm (chụp tháng 4.2014) - Ảnh: CTV

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.