Nhiều lý do khiến hệ thống trường phổ thông tư đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nếu không bên nào chịu điều chỉnh thì các trường sẽ rất khó tồn tại và khẳng định vị trí của mình.
Cơ sở vật chất tạm bợ của một trường phổ thông ngoài công lập - Ảnh: Bích Thanh |
Tự mình buộc mình
Nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng các trường phổ thông ngoài công lập (NCL) không tuyển sinh được là do… tại mình.
Điều ai cũng dễ nhận thấy là mức học phí và các khoản đóng góp của các trường NCL lúc nào cũng cao hơn, trong khi chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Cơ sở vật chất thường thiếu thốn, chắp vá, phòng học tạm bợ, diện tích chật chội, thiết bị dạy học thiếu… Hiện tại Hà Nội có 46% số trường NCL còn thuê, mượn địa điểm.
Bắt đầu từ tháng 7.2014, Sở GD-ĐT TP.HCM thành lập Phòng Quản lý các cơ sở giáo dục NCL. Sau gần 2 năm đã có 15/98 trường ngưng hoạt động và bị đình chỉ tuyển sinh. Một lãnh đạo của phòng này cho biết chỉ có khoảng 35% trường tuyển sinh được.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết những sai phạm của phần lớn các trường là cơ sở vật chất không đúng thỏa thuận ban đầu. Tức sau 5 năm không có cơ sở vật chất ổn định lâu dài, dạy không đúng số môn học theo quy định.
Có trường còn quảng cáo, công bố tên giáo viên không đúng sự thật. Cách đây khoảng 3 tháng, một tiến sĩ vật lý, nguyên giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang làm việc tại Mỹ, tỏ ra bức xúc khi chưa từng tiếp xúc hay nhận lời mời về thỉnh giảng nhưng lại có tên trong danh sách giáo viên giảng dạy của trường dân lập tại Q.9, TP.HCM.
Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nhân Văn (TP.HCM), cho rằng nguyên nhân của việc khó tuyển sinh gần đây do số lượng các trường tư thục mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ riêng Q.Tân Phú có khoảng 20 trường NCL. Số lượng trường nhiều mà lượng học sinh (HS) ngày càng ít do các trường công lập cũng được xây mới, nâng cấp. Vì thế, tính cạnh tranh của các trường NCL rất lớn. Nhiều trường không ngại sử dụng các chiêu trò để tuyển sinh. Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho biết có trường cố tình kéo giáo viên, HS để nhận hoa hồng… Hay có trường, ban giám hiệu không hợp với nhau, khi chuyển sang trường khác liền kéo theo hàng chục HS.
Một số trường tuyển không đủ nên tổ chức giảng dạy kiểu bát nháo như cắt xén chương trình, giảm tiết, bỏ môn… làm cho chất lượng đào tạo không tới đâu.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), còn thông tin: “Các trường NCL mở chi nhánh tại tỉnh để hạn chế bớt kinh phí, HS không di chuyển về thành phố nữa cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc trường tư tại TP.HCM khó tuyển sinh”. Chẳng hạn, Trường THPT Nguyễn Khuyến mở chi nhánh tại Bình Dương và hiện có khoảng 1.500 HS theo học. Một trường THPT dù ngừng hoạt động tại TP.HCM vì không tuyển sinh được nhưng khi mở trường ở khu vực Tây nguyên lại thu nhận được gần 1.000 HS.
Đầu tư ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, kéo theo chất lượng giáo dục không cao, không thu hút được HS. Không có HS lại không có tiền đầu tư, nâng cao chất lượng dạy học, không tạo được uy tín với phụ huynh. Vòng luẩn quẩn này đã tồn tại hàng chục năm nay trong hệ thống trường phổ thông NCL mà không giải quyết được.
Lỗi tại… trường công !
Trong bài phản ảnh trên Báo Thanh Niên số ra ngày 19.4, kể cả những trường có đầu tư đảm bảo về cơ sở vật chất cũng không dễ dàng tuyển sinh.
Theo lãnh đạo nhiều trường NCL tại Hà Nội, hằng năm Sở GD-ĐT cho phép các trường công lập hạ điểm chuẩn xét tuyển nên HS nếu không đỗ mới đăng ký học trường NCL. Câu lạc bộ các trường THPT NCL còn cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội đã “lãng quên” chủ trương xã hội hóa trong giáo dục khi chỉ giao chỉ tiêu cho hệ thống trường NCL chưa đầy 20% hằng năm.
Còn lãnh đạo của Phòng Quản lý các cơ sở giáo dục NCL tại TP.HCM chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến trường NCL khó tuyển sinh là do sự phát triển ngày càng nhiều trường lớp công lập, việc quy định về bằng tốt nghiệp của hệ GDTX, TCCN không có sự khác biệt với hệ phổ thông nên phụ huynh có thêm nhiều lựa chọn cho con em vào lớp 10…
Lãnh đạo một trường NCL cho rằng mở trường tư nhưng lại đồng thời tổ chức mô hình trường công chất lượng cao, lẽ ra mô hình này nên để trường tư làm khiến các trường tư vốn khó khăn càng khó khăn hơn.
Khi tất cả đều vào… THPT
Việc các địa phương đang loay hoay tính toán bằng mọi giá phải để HS vào THPT, theo các chuyên gia giáo dục, là điều khiến mục tiêu phân luồng sau THCS bao nhiêu năm nay chưa thực hiện được. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định: “Gốc rễ vấn đề vẫn là ngành giáo dục chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng”.
Ông Thuyết phân tích: “Lâu nay cứ kêu gọi việc phân luồng HS nhưng quy mô trường THPT vẫn nở ra, trong đó chủ yếu mảng trường NCL. Những trường này hớt nốt những HS trượt trường công vào học. Như thế làm sao thực hiện được phân luồng sau THCS?”.
Ông Nguyễn Khánh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng không nên tăng mạng lưới các trường THPT, chỉ điều chỉnh ở những nơi chưa hợp lý và có biến động cơ học về cơ cấu dân cư. Có như vậy mới có thể phân luồng được khoảng 30% HS tốt nghiệp lớp 9 vào giáo dục nghề nghiệp.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị phải xem lại quy trình cấp phép thành lập trường THPT NCL thời gian vừa qua. “Phải chăng, quy trình này quá lỏng lẻo, dễ dãi nên mới dẫn tới tình trạng hằng năm sở GD-ĐT phải ngừng giao chỉ tiêu cho một loạt trường vì không đảm bảo những điều kiện ở mức tối thiểu nhất?”, ông Cương đặt vấn đề.
Giảm dần tỷ lệ học sinh vào trường công
Về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2016, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết hiện chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho các trường NCL chiếm khoảng trên 18%. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay lượng thí sinh tham gia tuyển sinh lớp 10 tương ứng với năm 2015. Tuy nhiên, theo lộ trình giảm dần quy mô lớp học trong trường, giảm sĩ số trong lớp học để tăng cường chất lượng, xu hướng giảm chỉ tiêu vào các trường công lập sẽ được thực hiện dần với mức độ hợp lý, tiến tới mỗi lớp trong các trường THPT sẽ chỉ có 40 HS. Việc tuyển sinh vào học lớp 10 hệ THPT tại các trung tâm GDTX năm học tới cũng sẽ được xem xét lại theo hướng giảm dần để tập trung vào chất lượng.
Dự kiến của Sở GD-ĐT Hà Nội đến năm 2018, số HS tốt nghiệp THCS lớp 9 sẽ tăng vọt tới 25.000 HS so với hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng đây là cơ hội cũng là thách thức với hệ thống các trường NCL. Các trường cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện ngay từ bây giờ để tạo niềm tin đối với phụ huynh HS. Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trong những năm tới sẽ từng bước giảm dần tỷ lệ HS trúng tuyển vào công lập, và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 30% số HS tốt nghiệp THCS học lớp 10 ở các loại hình khác.
Tuệ Nguyễn
|
Ý kiến
Chấp nhận cơ chế đào thải
Các trường NCL cũng phải chấp nhận cơ chế đào thải của thị trường. Nếu trường nào thực sự có chất lượng mà vì chưa tạo được “thương hiệu” thì rất cần phía cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc kiểm định chất lượng để tạo niềm tin cho HS và phụ huynh.
Nguyễn Tùng Lâm
(Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) Ảnh hưởng của kinh tế
Kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của khối trường này. Trước đây, HS ở Bình Dương, Bình Phước, Tây nguyên đến TP.HCM học nhiều. Những năm gần đây, tình hình phát triển cây cao su, cà phê gặp nhiều biến động, thu nhập không cao khiến tỷ lệ HS ngoại tỉnh sụt giảm.
Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) Phải tự nâng cao chất lượng
Muốn có HS, trước hết phải tự mình làm cho chất lượng để phụ huynh an tâm gửi con em vào trường.
Nguyễn Yên Chi
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) Đừng nghĩ lợi nhuận trước mắt
Đã khó tuyển sinh thì phải làm chất lượng chứ cứ làm theo kiểu được chăng hay chớ, nghĩ đến lợi nhuận trước mắt lại càng đẩy vào thế khó hơn.
Nguyễn Đăng Khoa
(Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục NCL Sở GD-ĐT TP.HCM) Chấp nhận tuyển sinh ít
Thay vì đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh nhiều, các trường nên chuyển hướng chấp nhận tuyển sinh ít nhưng đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy. Đầu vào của HS như thế nào tạm không nhắc tới nhưng đầu ra mà tốt, có tiến bộ thì tự nhiên uy tín của trường cũng tăng lên.
Hoàng Thị Minh Liên
(Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nhân Văn, TP.HCM) |
Bình luận (0)