Trường tiên tiến khó... tiến

10/09/2024 05:41 GMT+7

Sau 3 năm triển khai, việc thí điểm xây dựng mô hình trường tiên tiến ở Nghệ An vẫn đang gặp khó, nhiều phụ huynh chưa mặn mà với mô hình này.

'NÉ' TRƯỜNG TIÊN TIẾN

Trường THCS Trường Thi (P.Trường Thi, TP.Vinh, Nghệ An) được ngành giáo dục địa phương chọn để thực hiện mô hình trường tiên tiến từ năm học 2023 - 2024.

Trường tiên tiến khó... tiến- Ảnh 1.

Giờ học STEM của học sinh Trường THCS Trường Thi (Nghệ An), mô hình trường tiên tiến

ẢNH: N.T

Năm đầu tiên, trường tuyển được 6 lớp 6, mỗi lớp 35 học sinh (HS), và được nhiều phụ huynh kỳ vọng vào mô hình này. Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025, trường chỉ tuyển được 4 lớp 6 với 120 HS, đạt hơn 50% so với chỉ tiêu. Trong khi đó, năm học 2024 - 2025 theo danh sách phổ cập, P.Trường Thi có 326 HS lớp 5 lên lớp 6. Như vậy, địa phương này có hơn 200 HS không chọn trường tiên tiến, mà chấp nhận học trái tuyến ở các địa phương khác.

Một phụ huynh ở P.Trường Thi có con lên lớp 6 cho biết, chị không chọn trường tiên tiến nằm gần nhà mà phải chuyển con đến địa phương khác học vì chưa an tâm về trường tiên tiến. "Sau khi tìm hiểu, tôi thấy mô hình này HS trong lớp ít hơn lớp phổ cập là một lợi thế, nhưng học phí cao, điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa đảm bảo và chất lượng giáo dục chưa được như kỳ vọng, nên tôi không muốn chọn cho con học tại đây", phụ huynh này nói.

Trường THCS Đặng Thai Mai (TP.Vinh) là trường điểm của tỉnh Nghệ An đã bước sang năm thứ 3 thực hiện mô hình trường học tiên tiến. Đây từng là trường chuyên có chất lượng đào tạo tốt bậc nhất tỉnh, nên việc tuyển sinh năm học 2024 - 2025 cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con theo học trường tiên tiến ở đây vẫn băn khoăn về chất lượng đào tạo khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có nhà ăn, bếp ăn, chỗ ngủ trưa cho HS, trang thiết bị dạy học chưa tương xứng.

Một phụ huynh có con vừa học xong lớp 6 ở trường này cho biết: "Tôi thấy chương trình tiên tiến quá nặng, bởi các con đều học cả ngày trong tuần, trong đó có nhiều buổi chiều học các môn tăng cường như STEM, tin học, năng khiếu, tiếng Anh, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Sau khi học ở trường về, các con vẫn phải đi học thêm ở ngoài mới theo kịp chương trình nên không có thời gian nghỉ ngơi".

Không chỉ bậc THCS gặp khó mà với bậc THPT, HS cũng dè dặt khi đăng ký lớp tiên tiến. Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, điểm chuẩn đầu vào theo hình thức đào tạo truyền thống là 23,5 nhưng điểm chuẩn hệ tiên tiến chỉ 17,5 vì ít HS đăng ký. Không tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường phải dùng phương án đăng ký xét tuyển để "vét" HS. Năm nay là năm thứ 3 thực hiện mô hình lớp tiên tiến và đã có 15 lớp theo mô hình này, nhưng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đang thiếu phòng học trầm trọng, HS phải học 2 ca.

Trường tiên tiến khó... tiến- Ảnh 2.

Giờ học môn năng khiếu ở Trường THCS Trường Thi

ẢNH: N.T

NHIỀU CÁI KHÓ

Đến nay, tại Nghệ An đã có 14 trường ở 4 huyện, thị trong tỉnh thực hiện thí điểm mô hình trường học tiên tiến. Riêng TP.Vinh đã tiên phong triển khai đủ 4 cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó 3 trường THPT công lập trên địa bàn đều có chỉ tiêu tuyển sinh lớp tiên tiến. Mức học phí cho chương trình ở lớp tiên tiến (ngoài tiền bán trú và các khoản thu theo quy định), HS phải đóng thêm từ 1.356.000 - 1.608.000 đồng.

Bà Tăng Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi, cho rằng để mô hình trường tiên tiến được triển khai hiệu quả, các nhà trường cần được ưu tiên về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ chế chính sách để phát huy được ưu thế.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 mới đây, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng Giáo dục TP.Vinh, thừa nhận mô hình này còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; so với chương trình phổ cập mức học phí ở trường tiên tiến cao và chương trình học nặng nên phụ huynh còn băn khoăn.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết mô hình trường tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, đem lại nhiều giá trị cho HS. Nếu thành công, mô hình này sẽ lan tỏa ra nhiều địa phương để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Tuy nhiên, bước đầu mô hình này còn nhiều khó khăn do ở Nghệ An các phường, xã chỉ có 1 trường tiểu học, THCS nên không thể duy trì trường phổ cập và trường tiên tiến song song. Ngoài ra, việc sử dụng đội ngũ giáo viên có chất lượng để giảng dạy cũng chưa đạt như mong muốn.

"Sở sẽ đánh giá lại việc thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến, tổng hợp ý kiến, đề xuất của các trường và địa phương để cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh cho phù hợp và dù bước đầu gặp gian nan nhưng hy vọng mô hình này sẽ thành công", ông Thái Văn Thành nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.