|
Giảm mạnh học sinh
Câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở trường THPT tư thục Hà Huy Tập (TP.Tam Kỳ) đã từng đề cập từ vài năm trước, nhưng đến cuối tháng 10.2013 UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức riêng cuộc làm việc để nghe nhà trường kiến nghị các phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong khâu tuyển sinh… thì dư luận càng thêm chú ý. Bởi lẽ, không chỉ liên quan đến số phận một ngôi trường tư thục đầu tiên ở Quảng Nam (thành lập năm 1998, chính thức khai giảng từ năm 1999) hay sẽ xử lý như thế nào đối với học sinh và giáo viên…, mà quan trọng hơn là lý do vì sao loại hình tư thục ngày càng gặp khó.
Sau 15 năm hoạt động, kết quả tuyển sinh lớp 10 hằng năm của trường THPT tư thục Hà Huy Tập cứ “hụt hơi” dần. Từ 700 - 800 em/năm của thời kỳ Quảng Nam mở rộng xã hội hóa giáo dục, thì trong vòng 2 năm 2012-2013 mỗi năm trường chỉ tuyển được hơn 70 học sinh/năm. Theo phân tích từ lãnh đạo trường, cả tỉnh chỉ còn khoảng 1.200 học sinh không trúng tuyển vào trường công lập mỗi năm, riêng địa bàn Tam Kỳ - Phú Ninh (nơi trường Hà Huy Tập hoạt động) có chưa đầy 150 em… nên trường thiếu nguồn tuyển sinh. Giảm mạnh nguồn tuyển sinh, trường đối diện nguy cơ giải thể sớm. Ngay từ đầu năm học 2013-2014, trường đã chủ động cho nghỉ việc 15 giáo viên; chỉ giữ lại 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng cắt giảm 25% tiền lương để giảm bớt khó khăn tài chính do giảm nguồn thu học phí…
Tư thục gặp khó, vì sao?
Hiện trạng trường Hà Huy Tập chỉ được đề cập như một nguy cơ, bởi theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Nam hôm 2.11, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng quả quyết địa phương chưa bàn giải quyết vụ giải thể loại hình trường tư thục vì đến thời điểm ấy chưa nhận được bất cứ đơn xin giải thể nào. Mặc dầu vậy, các phương án xử lý cụ thể tại trường Hà Huy Tập (như bố trí học sinh khối lớp 11 và 12 trong năm học 2014-2015, hoàn vốn cho nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho cán bộ, giáo viên…) cũng như mối quan tâm đến 3 trường tư thục còn lại cũng được ngành giáo dục Quảng Nam đặt ra, trong đó có mổ xẻ những nguyên nhân khiến lại hình tư thục gặp khó. Theo quan điểm của ông Nguyễn Tấn Thắng, cơ chế tuyển sinh (xét tuyển 95% học sinh vào lớp 10 công lập) hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh ở các trường tư thục. 5% còn lại cũng xấp xỉ 1.200 học sinh, trong khi cả tỉnh chỉ có 4 trường THPT tư thục: Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng (H.Quế Sơn), Hoàng Sa và trường TCCN Quảng Đông (cùng H.Điện Bàn). “Có 3 nguyên nhân tác động đến công tác tuyển sinh các trường tư thục. Một là sự phát triển của dịch vụ công trong giáo dục với 8 trường TCCN, 4 trường trung cấp nghề… khiến học sinh có nhiều lựa chọn hơn sau khi tốt nghiệp THCS. Thứ hai, có sự sụt giảm số lượng học sinh trên toàn tỉnh một cách khủng khiếp, từ 32.000 em giảm còn 22.000. Thứ ba, phụ thuộc tâm lý phụ huynh khi lựa chọn và cân nhắc cho con theo học loại trường nào”, ông Thắng phân tích.
Về lựa chọn, số đông phụ huynh muốn cho con em học tại trường công lập để có điều kiện dạy - học tốt hơn, chưa kể yếu tố học phí. Tại Quảng Nam, các trường công lập thu học phí cao nhất 80.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (khu vực miền núi và đồng bằng lần lượt thu 15.000 đồng, 50.000 đồng/tháng). Trong khi đó, mức học phí trường tư thục cao gấp 4-5 lần, trong đó trường Hà Huy Tập thu 450.000 đồng/tháng, trường Phạm Văn Đồng thu 400.000 đồng/tháng…
Trong điều kiện dịch vụ giáo dục công ngày càng cải thiện, áp lực về tuyển sinh giảm nhẹ, người học có toàn quyền lựa chọn thì tất nhiên mô hình trường tư thục ở bậc THPT cũng gặp khó. Vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục thu hút học sinh vào tư thục thông qua chất lượng giảng dạy, quảng bá hình ảnh, thu hẹp khoảng cách về học phí (so với trường công lập)…, chứ không phải loay hoay xử lý hậu quả mỗi khi có trường nào đó đối diện nguy cơ giải thể.
Đảm bảo quyền lợi học sinh và giáo viên Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn, trong trường hợp bất khả kháng trường THPT Hà Huy Tập phải dừng hoạt động, tỉnh sẽ quan tâm giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giáo viên và các nhà đầu tư. Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo hôm 2.11, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng cũng nêu hướng giải quyết ổn thỏa. Trong đó, học sinh sẽ được chuyển về địa phương theo học các trường công lập; còn giáo viên tiếp tục đưa vào danh sách xét tuyển với nhiều ưu tiên (cộng điểm đứng lớp, đóng BHXH, hưởng nguyên mức lương, miễn thời gian tập sự…) theo cơ chế tuyển dụng riêng chứ không cào bằng như sinh viên mới ra trường. |
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)