Trường và chợ xây dựng tiền tỉ rồi 'bỏ không'

17/06/2024 07:02 GMT+7

Đầu tư tiền tỉ để xây dựng nhưng không hiệu quả, công trình trường học ở miền núi dang dở, còn khu chợ ở đồng bằng chẳng có ai vào mua bán. Đây là tình trạng lãng phí trong xây dựng công trình dân sinh ở Quảng Bình.

DANG DỞ ĐIỂM TRƯỜNG MIỀN NÚI

Từ năm 2019, điểm trường K-Ai của Trường mầm non Dân Hóa (xã Dân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) được khởi công xây dựng, mở ra bao hy vọng cho thầy trò vùng cao vốn đang dạy và học tại các ngôi trường tạm.

Trường và chợ xây dựng tiền tỉ rồi 'bỏ không'- Ảnh 1.

Điểm trường K-Ai của Trường mầm non Dân Hóa sau 5 năm xây dựng vẫn dang dở

BÁ CƯỜNG

Tháng 9.2022, PV Thanh Niên đã có mặt tại điểm trường này, lúc ấy ngôi trường gần như hoàn thiện, chỉ còn thiếu sân và hàng rào. Mới đây, khi trở lại, chúng tôi nhận thấy điểm trường đã có thêm sân bãi, hàng rào, nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, cho biết trường được khởi công đã 5 năm nhưng do các vướng mắc về vốn nên quá trình bàn giao, đưa vào sử dụng còn chậm trễ. "Vì thế, một số hạng mục bị xuống cấp, chúng tôi đã có chỉ đạo để đơn vị thi công tu sửa nhằm sớm đưa trường đi vào hoạt động", ông Chinh nói.

Điểm trường K-Ai do UBND xã Dân Hóa làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 3,3 tỉ đồng, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đức Vĩnh.

Theo ông Đinh Văn Chinh, công trình dự kiến hoàn thành cùng năm khởi công (2019), sau đó điều chỉnh sang quý 2/2020, tiếp đó do vướng mắc nên đến nay vẫn dang dở. Trong khi đó, tại khu vực này, hiện có đến 56 học sinh vẫn đang phải học tập trong các phòng học tạm, nơi mà mùa mưa thường xuyên dột nát, còn mùa nắng nóng thì vô cùng vất vả.

CHỢ LÀM XONG, KHÔNG AI MUA BÁN

Sau 5 năm xây dựng, chợ Quảng Phúc (P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) được bàn giao vào tháng 7.2022, đăng ký kinh doanh buôn bán vào tháng 3.2023. Thế nhưng, khu chợ mới kiên cố với 24 tỉ đồng đầu tư vẫn không "hợp ý" người dân.

Trường và chợ xây dựng tiền tỉ rồi 'bỏ không'- Ảnh 2.

Chợ mới Quảng Phúc đầu tư 24 tỉ đồng vắng ngắt

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND P.Quảng Phúc, trước đây xã đã vận động các tiểu thương tập trung tại khu chợ mới để kinh doanh. Tuy nhiên, khung cảnh mua bán đông đúc, tấp nập chỉ tồn tại được khoảng… 1 tuần rồi trở nên vắng lặng, tiểu thương lại quay về chợ xép. "Người mua cho rằng khu chợ mới này quá xa, người bán thì có ý kiến khu chợ nắng quá. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của tiểu thương và lên phương án để xử lý các khu chợ xép trên địa bàn", ông Thành nói.

Chợ Quảng Phúc được xây dựng trên tuyến đường ven biển và cạnh một âu thuyền, nơi kỳ vọng sẽ tấp nập tàu thuyền để biến thành khu chợ tập trung thủy hải sản. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề biển trên địa bàn tương đối khó khăn, ngư dân phần lớn đi vào các tỉnh thành phía nam để hành nghề, từ đó tàu thuyền cũng ít dần…

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, P.Quảng Phúc có 2 chợ xép tại 2 tổ dân phố Tân Mỹ và Diên Phúc với tổng cộng 35 tiểu thương. Hằng ngày, 2 chợ xép này vẫn đông đúc kẻ bán người mua, chính quyền địa phương P.Quảng Phúc đang lên kế hoạch để vận động, kêu gọi các tiểu thương về tập trung bán tại khu chợ mới. Hạn chót được đưa ra để "xử lý" hoàn toàn 2 chợ xép này là tháng 9.2024. Chưa rõ, liệu tiểu thương có thật sự hài lòng khi vào chợ mới hay không, trong khi chính quyền địa phương còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục những hạn chế của khu chợ mới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.