Trường xây mới 25 tỉ đồng, nhiều phụ huynh không đưa con đến học: Đối thoại bất thành

10/09/2023 21:48 GMT+7

Cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương và phụ huynh của Trường tiểu học Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) trong ngày 10.9 về nội dung đưa hơn 50 học sinh đến trường mới xây để học vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngày 10.9, tại nhà văn hóa thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc), lãnh đạo Huyện ủy, UBND H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cùng các ngành chức năng tổ chức buổi đối thoại với phụ huynh thôn Nam Yên, những người không đưa con em đến cơ sở trường mới vừa xây dựng 25 tỉ đồng tại thôn Phò Nam.

Theo tìm hiểu thực tế của PV Thanh Niên, khi di chuyển từ Trường tiểu học Hòa Bắc (điểm trường thôn Nam Yên) qua cơ sở mới tại thôn Phò Nam, khoảng cách chưa tới 2 km. Từ ngày khai giảng hôm 5.9 đến nay, hàng chục phụ huynh vẫn không đưa con em đến điểm trường mới (tại thôn Phò Nam) để học mà đưa con đến cơ sở cũ tại thôn Nam Yên (nơi không còn tổ chức dạy học) để bày tỏ mong muốn con em họ được học ở điểm trường cũ.

Vì sao phụ huynh không cho con đến trường?

Tại buổi đối thoại, anh Đinh Xuân Vũ (trú thôn Nam Yên) cho rằng, điểm trường Nam Yên có tổng số học sinh là 117 em, nhiều nhất so với các điểm trường thuộc các thôn trong xã Hòa Bắc, nên việc sáp nhập về điểm trường mới ở thôn Phò Nam là không hợp lý. Điểm trường mới cũng từng bị ngập lụt nên phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con em nếu lũ ống, lũ quét bất ngờ xảy ra.

Ông Hồ Tăng Học, Trưởng thôn Nam Yên, cho hay ngày 20.8.2023, UBND xã Hòa Bắc phối hợp cùng Trường tiểu học Hòa Bắc tổ chức họp phụ huynh học sinh các khối lớp thuộc khu vực điểm trường Nam Yên để khảo sát việc thực hiện dồn ghép sang điểm trường chính ở thôn Phò Nam.

Qua cuộc họp, phụ huynh ở thôn Nam Yên hiểu đây là chủ trương tốt nhằm mục đích tạo điều kiện cần thiết để học sinh được tham gia học tập tại một môi trường tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập toàn diện cho các em. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, phụ huynh chưa chuẩn bị tinh thần, không ít phụ huynh không có điều kiện để chuyển con đến học ở trường mới...

Hơn 50 học sinh chưa đến trường: Bất ngờ phụ huynh bỏ về trong buổi đối thoại - Ảnh 1.

Người dân thôn Nam Yên nêu ra những khó khăn, nguy hiểm khi học sinh đi học tại cơ sở mới ở thôn Phò Nam

HUY ĐẠT

"Đa số phụ huynh đi làm công nhân nên việc đi học của các con phải nhờ ông, bà đưa đón hoặc là các con tự đến trường. Nhưng nay trường xa nên ông bà không đưa đón được, các con cũng không thể tự đến trường vì nhiều nguy hiểm như mưa lũ, gió bão", Trưởng thôn Nam Yên nói.

Ngoài ra, một số học sinh lớp 4, lớp 5 tự đi học được thì gia đình cũng không có điều kiện để mua sắm phương tiện (xe đạp, xe đạp điện) cho các em.

"Việc dồn ghép trường cũng ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ buôn bán xung quanh điểm trường Nam Yên vì không có học sinh, không buôn bán được. Vì những lý do đó, các hộ dân đề xuất, về lâu dài xin, đầu tư sửa chữa lại điểm trường Nam Yên. Phụ huynh cũng đề nghị chính quyền hỗ trợ phương tiện đi lại cho các em học sinh lớp 4, lớp 5 khi theo học tại Trường tiểu học Hòa Bắc. Đồng thời, tạm thời để các em học sinh lớp 1, 2, 3 học tại điểm trường Nam Yên để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cũng như để cho người dân có sự chuẩn bị tinh thần", ông Hồ Tăng Học nêu ý kiến.

Hơn 50 học sinh chưa đến trường: Bất ngờ phụ huynh bỏ về trong buổi đối thoại - Ảnh 2.

Đa số phụ huynh mong muốn con em được học tại điểm trường cũ ở thôn Nam Yên

HUY ĐẠT

Địa phương cam kết hỗ trợ

Sau khi lắng nghe ý kiến của các phụ huynh, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP.Đà Nẵng, thời gian qua ngành giáo dục huyện đã rà soát, đánh giá, dồn ghép các điểm trường lẻ với mục tiêu tổ chức giảng dạy, quản lý được tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập.

"Huyện Hòa Vang đã thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính được 10 năm nay. Đầu tư xây dựng trường lớp mới là nhằm đáp ứng được trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Vì vậy, TP.Đà Nẵng đầu tư xây dựng điểm trường chính là Trường tiểu học Hòa Bắc nhằm đưa học sinh các điểm trường lẻ về trường chính để thuận lợi cho việc giảng dạy tốt, chất lượng cao hơn…", ông Dũng khẳng định.

Hơn 50 học sinh chưa đến trường: Bất ngờ phụ huynh bỏ về trong buổi đối thoại - Ảnh 3.

Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (trái) và ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, trả lời ý kiến người dân tại buổi đối thoại

HUY ĐẠT

Lý giải thêm về việc thông báo triển khai dồn ghép tại Trường tiểu học Hòa Bắc, ông Dũng nêu rõ các ngành chức năng đã thông báo, tuyên truyền đến tất cả cử tri thôn Nam Yên và cử tri cũng đã có trao đổi với chính quyền xã Hòa Bắc tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất. Những ý kiến của cử tri cũng đã được các cấp có văn bản trả lời, giải quyết.

"Trong tháng 8.2023, Trường tiểu học Hòa Bắc cùng với UBND xã Hòa Bắc đã tổ chức 2 buổi họp để tuyên truyền, vận động phụ huynh thôn Nam Yên chấp hành chủ trương dồn ghép điểm trường nêu trên", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, việc dồn ghép các điểm trường trên địa bàn huyện có lộ trình thực hiện cụ thể: ở bậc mầm non, tiểu học, năm học 2021-2022 giảm 6 điểm trường; năm học 2022-2023 giảm 6 điểm trường.

Việc quy hoạch, xây dựng điểm trường mới tại Phò Nam cũng có bán kính chỉ dưới 2 km so với các điểm trường khác (trong đó có điểm trường cũ Nam Yên), nên cơ bản thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em, không vi phạm quy định về khoảng cách các điểm trường theo Điều lệ trường tiểu học (Bộ GD-ĐT).

Hơn 50 học sinh chưa đến trường: Bất ngờ phụ huynh bỏ về trong buổi đối thoại - Ảnh 4.

Trường tiểu học Hòa Bắc xây mới tại thôn Phò Nam với gần 25 tỉ đồng

HUY ĐẠT

"Nếu để học sinh tiếp tục học tại điểm trường thôn Nam Yên, các em sẽ bị hạn chế về việc tiếp cận môi trường giáo dục đảm bảo hơn về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị đồ dùng dạy học hiện đại, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của địa phương cũng như việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, việc dồn ghép điểm trường thôn Nam Yên về thôn Phò Nam là hết sức phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh", ông Dũng nêu rõ.

Tại buổi đối thoại, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, khẳng định chính quyền, ngành chức năng sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh để sớm cho trẻ em đến điểm trường mới, giải quyết những vấn đề khó khăn còn vướng mắc.

"Hiện nay, để đào tạo trẻ em một cách toàn diện thì cần rất nhiều thứ. Ngoài kiến thức, kỹ năng, học sinh còn phải rèn luyện thân thể. Điểm trường cũ thì chỉ có vài phòng học, không thể có tất cả hệ thống để giáo dục một cách toàn diện được", ông Hùng chia sẻ.

Về khó khăn trong việc đưa đón học sinh, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang yêu cầu chính quyền, ngành chức năng phải tính toán, bố trí người, phương tiện đưa đón con em của các gia đình không có điều kiện (như bố mẹ làm ăn xa, con em phải ở với ông bà). Ông Hùng đưa ra giải pháp, với những em học lớp 4, lớp 5, nếu gia đình khó khăn, không thể mua được xe đạp thì chính quyền sẽ vận động các tổ chức mua xe để tặng các em.

Đối với những hộ gia đình buôn bán quanh khu vực điểm trường cũ ở thôn Nam Yên mất thu nhập, ông Hùng cho biết sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để hỗ trợ sinh kế, đảm bảo cuộc sống.

"Với tư cách là người đứng đầu, tôi xin khẳng định lại với phụ huynh là những gì đã nói trong buổi đối thoại này sẽ được thực hiện. Phụ huynh phải biết hy sinh một phần lợi ích cá nhân để cho con em đến trường, đảm bảo quyền được học tập của trẻ em", ông Hùng nhấn mạnh.

Hai phương án giải quyết vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung"

Sau đó, ông Hồ Tăng Phúc, Chánh văn phòng Huyện ủy Hòa Vang, tổng hợp 2 phương án để giải quyết, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh của 54 học sinh để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Phương án 1: để các em khối lớp 1, 2, 3 học tại điểm trường cũ (thôn Nam Yên) hết học kỳ 1 năm học 2023-2024, sang học kỳ 2 sẽ chuyển sang điểm trường mới (thôn Phò Nam); còn học sinh lớp 4, lớp 5 chuyển sang học điểm trường mới xây tại thôn Phò Nam ngay từ bây giờ.

Phương án 2: tất cả học sinh các khối đều chấp hành chuyển sang theo học tại điểm trường mới ở thôn Phò Nam.

Tuy nhiên, sau khi đại diện Huyện ủy Hòa Vang đưa ra 2 phương án, bất ngờ nhiều phụ huynh đã bỏ về trong khi buổi đối thoại vẫn đang diễn ra. Cuối cùng, chính quyền địa phương và các phụ huynh một lần nữa vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung".

Trước đó, Thanh Niên đã đưa tin, hàng chục phụ huynh thôn Nam Yên có ý kiến phản đối việc dồn ghép các điểm trường, cho rằng cơ sở mới của trường ở thôn Phò Nam quá xa nhà, đường đi cũng nguy hiểm trong mùa mưa bão. Học sinh di chuyển qua cầu Phò Nam để đến trường sẽ gặp nguy hiểm vì lan can cầu này được thiết kế có khoảng cách quá rộng...

Sau đó, Huyện ủy, UBND H.Hòa Vang và UBND xã Hòa Bắc nhiều lần tổ chức đối thoại. Tuy nhiên, tại các buổi đối thoại, hàng chục phụ huynh không tham dự nên hai bên chưa tìm được "tiếng nói chung", kể cả cuộc đối thoại ngày hôm nay 10.9. Và như vậy, đến nay vẫn còn có hơn 50 học sinh chưa đến lớp (ở điểm trường mới) khi năm học mới đã đi qua được 1 tuần.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.