Khí phách người nữ anh hùng
Liệt sĩ Đặng Thị Kim (tên thường gọi là Đặng Thị Oanh), sinh ngày 19.12.1929 trong một gia đình viên chức nghèo tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1945, chị cùng các anh chị vào Nha Trang (Khánh Hòa) sống với cậu ruột. Chị sớm giác ngộ cách mạng và tham gia công tác trong Đội thiếu niên P.3, TX.Nha Trang lúc bấy giờ.
Năm 16 tuổi, chị được Tỉnh ủy Khánh Hòa phân công vào Đội tuyên truyền xung phong, hoạt động bí mật tại Nha Trang và các cùng phụ cận.
Tháng 7.1946, chị được cử vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nha Trang. Thời gian này, chị tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30.10.1946, đòi Chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9.1946. Tháng 12.1946, chị vinh dự được kết nạp Đảng và tham gia hoạt động bí mật tại Nha Trang.
Đầu năm 1948, địch khủng bố gắt gao, nhiều cán bộ bị bắt và bị giết hại, nhưng chị Đặng Thị Kim vẫn không nản chí, tiếp tục bám sát địa bàn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
|
|
Tháng 8.1948, trên đường từ Nha Trang về Vĩnh Xương dự Hội nghị, chị cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển thì bị địch đón bắt. Địch đưa một kẻ phản bội để nhận diện và biết chị là vợ ông Trương An, Phó bí thư Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa. Biết chị có nhiều mối quan hệ, nắm được nhiều cơ sở quần chúng và biết rất rõ về cơ quan đầu não của ta ở chiến khu nên chúng đã tra tấn chị rất dã man: quay điện, treo người lên rồi đánh, tra nước, “lộn mề gà” cho hộc máu, đạp giày đinh lên bụng (lúc này chị có thai khoảng 3 tháng)... nhằm lấy lời khai của chị.
Với ý chí kiên cường, chị nhất quyết không khai báo. Không khuất phục được, địch cho một tên lính lê dương bí mật vào xà lim hãm hiếp chị; sau đó bóp cổ, nhét giẻ vào miệng, bỏ chị vào bao tải rồi chở ra sân bay Nha Trang để xử tử. Năm đó, chị mới 19 tuổi…
Trở về…
Đầu tháng 12.2009, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng liên quan và các cá nhân, gia đình đã tìm được mộ, giám định gen hài cốt của liệt sĩ Đặng Thị Kim và đưa di hài từ Nghĩa trang phía Bắc TP.Nha Trang về an táng tại quê nhà.
Gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim xúc động nói: “Chúng tôi vẫn như nghe thấy chị nói lời cuối cùng trong buổi chia tay với chị gái Đặng Thị Yến: “Chị đừng khóc! Về quê, nếu chị nghe thấy bài hát Quốc ca và thấy màu đỏ lá cờ Tổ quốc là em đã trở về”. Và 61 năm sau, chị tôi mới trở về sau bao mong mỏi của người thân - cuộc trở về ấy thật lâu dài, gian khổ và đau thương giống như hành trình chiến đấu anh dũng của cả dân tộc, như những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của nhiều gia đình Việt Nam”.
Qua quá trình sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng, năm 1957, chị Đặng Thị Kim đã được công nhận là liệt sĩ; năm 1961 chị được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày 27.4.2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đặng Thị Kim.
Con đường mang tên nữ anh hùng, tại sao không?
Tại buổi lễ, gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim bày tỏ nguyện vọng tha thiết là danh tính nữ liệt sĩ Đặng Thị Kim sẽ được chính quyền tỉnh cân nhắc đặt cho một con đường ở TP.Nha Trang để chị được ở lại mãi nơi chị đã hoạt động và ngã xuống. Như sự ghi nhận mà Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa dành cho nữ liệt sĩ: “Tinh thần đấu tranh, hy sinh anh dũng của liệt sĩ Đặng Thị Kim khi mới 19 tuổi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ tuổi trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo…”, bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội nhấn mạnh trong bài phát biểu tại buổi lễ.
Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh ghi nhận nguyện vọng chính đáng của gia đình và sẽ chỉ đạo cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện việc này”.
Cách đây tròn hai năm, ngày 25.7.2010, bài viết “Nữ anh hùng tuổi 19” được đăng tải trên Báo Thanh Niên. Ngay sau khi bài báo đăng tải, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng làm hồ sơ để trình Chủ tịch nước xem xét, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Đặng Thị Kim. Ngày 27.4.2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Đặng Thị Kim. |
Bài, ảnh: Nguyễn Chung
>> TNXP Quảng Bình nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
>> Trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho trung tướng Nguyễn Xuân Xinh
>> Văn phòng Xứ ủy Nam bộ nhận danh hiệu Anh hùng
>> Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND
Bình luận (0)