Truy tìm tên gốc nhạc cụ song lang (loan) của dàn nhạc đờn ca tài tử

11/11/2021 09:30 GMT+7

Đờn ca tài tử đã xuất hiện ở miền Nam từ khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nghĩa là hơn 100 năm qua nhưng vẫn chưa tìm thấy cứ liệu nào thuyết phục về nguồn gốc tên gọi song lang (loan) của nhạc cụ này.

Ở đây, chúng tôi mạo muội đưa ra vài giả thuyết khác, mục đích là gợi ý thêm cho việc tìm hiểu nguồn gốc của song lang (loan)… Hiện nay, cái tên song lang rất phổ biến trong giới đờn ca tài tử và cải lương, tuy nhiên có những trang tiếng Nhật và Anh bán nhạc cụ trên mạng đều gọi là song loan. Đây là một điểm cần chú ý, bởi vì không phải ngẫu nhiên mà họ gọi như thế.

Sanh sứa tre (trái) và sênh tiền (phách tiền)

nhaccutrantrung.com

Gong Ban Việt Nam (trái) và Scabellum Hy Lạp

larkinthemorning.com, Wikipedia

Vậy, nếu loan không có nghĩa là chim loan thì nó có nghĩa gì? Chúng ta thử tìm hiểu theo hướng lang và loan là chất liệu gỗ để làm nhạc cụ này. Có 2 chữ Hán liên quan, đó là:

Lang 筤 (bộ trúc), có nghĩa là tre non. Biết đâu khởi thủy khi mới sáng tạo song loan nghệ nhân đã sử dụng tre non ghép vào một đoạn kim loại hình chữ U để hình thành nhạc cụ này, song do âm thanh nghe không tốt lắm nên về sau mới chuyển sang những loại gỗ cứng khác để chế tạo song lang?

Loan 欒 (bộ mộc), có nghĩa là cây loan (tên khoa học: Koelreuteria paniculata), một loài cây chủ yếu phân bố ở Đông Á (Trung Quốc và Hàn Quốc), đến thế kỷ 18 thì được trồng ở châu Âu, châu Mỹ và hiện nay đã trở thành cây cảnh phổ biến trên khắp thế giới. Liệu có khả năng loại gỗ của cây này được sử dụng để tạo “song loan”?.

Ngoài ra, chúng ta biết rằng chữ song trong nhạc cụ này rất có thể là chữ song 雙 với nghĩa là “cặp, đôi”. Chữ này phù hợp với chữ loan 孿 (bộ tử) có nghĩa là “sinh đôi”. Nếu đúng như vậy thì song loan 雙孿 dùng để chỉ nhạc cụ có 1 cái dùi gắn chung với 1 cái mõ để tạo ra âm thanh”.

Xét về hình thức thì “song loan” khá giống với 1 nhạc cụ gõ khác của Việt Nam mà những trang tiếng Anh trên mạng gọi là “gong ban” (có thể là cách viết trại của từ song lang). Nếu xét về việc sử dụng bàn chân thì có 1 nhạc cụ cổ xưa của người La Mã và Hy Lạp khá giống song loan gọi là Scabellum. Nhạc cụ này còn có tên khác là krupalon và krupezon, nhưng âm thanh không giống song loan.

Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều dự hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp (1906)

Wikipedia

Chúng ta biết rằng đờn ca tài tử Nam bộ có nguồn gốc từ hình thức ca Huế, pha lẫn âm nhạc của vùng Nam Trung bộ (như Quảng Nam, Quãng Ngãi…). Trong ca Huế nghệ nhân sử dụng 2 nhạc cụ gõ là sanh loan và sanh tiền (còn gọi là sênh tiền hay phách tiền). Sanh loan có khả năng là 2 khúc gỗ làm bằng gỗ loan (?) mà ngày xưa được gọi là sanh. Theo Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của thì “Sanh: đồ cổ nhạc; chính là 2 miếng cây vắn vắn để mà gõ với nhau. Nhịp sanh. Đánh sanh theo nhịp nhàng”; còn Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức giải thích sanh là : “Nhạc-khí gồm hai thanh gỗ hay tre dùng gõ nhịp”.

Đờn ca tài tử ở Nam Bộ

tourmientay.net

Như vậy, hình thức đầu tiên của song lang (loan) chính là sanh, về sau được gọi là sanh loan (trong ca Huế) rồi đọc trại thành song loan theo cách phát âm ở miền Bắc và thành song lan/song lang (trong đờn ca tài tử Nam bộ) theo cách phát âm của người miền Nam.

Ngày nay trong ca Huế vẫn giữ nguyên hình thức sanh loan là 2 khúc gỗ dùng để gõ vào nhau, còn trong đờn ca tài tử Nam bộ thì cải tiến thành loại mõ nhỏ, có 2 phần: mõ tròn bằng gỗ và 1 miếng gỗ nối với nhau bằng 1 thanh cần kim loại.

Dĩ nhiên, nhận định trên chỉ là ý kiến cá nhân. Trong khi chờ đợi công trình nghiên cứu nào đó đủ sức thuyết phục các học giả về tên gọi của nhạc cụ song lang (loan), chúng tôi đề nghị sử dụng cả 2 cách gọi: song loan và song lan(g). Trên văn bản chính thức thì nên sử dụng từ “song loan” vì cái tên này phổ biến hơn trên những trang ngôn ngữ nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.