Truy tố các vụ đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép

13/12/2023 17:32 GMT+7

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Công an đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép.

Ngày 13.12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Truy tố các vụ đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép   - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp

NGUYỄN LONG

Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu chính từ trụ sở Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tới trụ sở UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hậu quả của việc không gỡ được "thẻ vàng" EC và nếu bị rút thẻ đỏ thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.

"Cơ hội gỡ thẻ vàng của Việt Nam là rất lớn nếu các địa phương và bộ, ngành chung tay quyết liệt để tháo gỡ những hạn chế, tồn tại về công tác IUU", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng đề nghị các địa phương cùng các bộ, ngành phối hợp tốt để tổ chức đợt cao điểm từ nay đến tháng 4.2024, dồn tất cả nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ "thẻ vàng" EC. Các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ không để có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh những vụ việc liên quan đến vi phạm xác nhận nguyên liệu thủy sản; củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Ngày 5.12, EC đã có Công thư chính thức về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam sau đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10.2023). Theo đó, Việt Nam vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, xảy ra nhiều vụ việc tàu sử dụng biển số giả hoặc tàu không rõ biển số hoặc tàu đã bán sang tỉnh khác nhưng chưa làm thủ tục đăng ký lại tàu cá, xảy ra 30 tàu/183 ngư dân.

EC đã khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.

Truy tố các vụ đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép   - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thọ (đứng), Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo tại cuộc họp

NGUYỄN LONG

Qua kết quả EC làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định và Trung tâm giám sát tàu cá tại Trung ương, còn các tồn tại, hạn chế về kiểm soát tàu cá tại cảng, xử lý vi phạm quy định mất kết nối VMS. EC khuyến nghị, đảm bảo rằng tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định (kể cả tàu đang sửa chữa hoặc được thông báo là không hoạt động); tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, không cho phép để ngư cụ trên tàu…

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU trong thời gian tới, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 vào tháng 4.2024, các đại biểu đề nghị lực lượng cần thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.