Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 7.3.2017 Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn chỉ đạo đầu tư thí điểm 15 hệ thống lọc nước uống tại TP.Bạc Liêu. Mục tiêu đầu tư nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS. Qua đó tổng kết, đánh giá hiệu quả công trình, khả năng xã hội hóa..., báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu để nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
Hoang phí hệ thống lọc nước hơn 123 tỉ ở Bạc Liêu |
Hệ thống lọc nước uống tại Trạm y tế xã Điền Hải không sử dụng được |
Trần Thanh Phong |
Tháng 5.2017, UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn cho tất cả 7 huyện, thị xã, thành phố và giao UBND các địa phương quyết định đầu tư. Tính đến tháng 6.2021, UBND các huyện, thị xã và thành phố đã đầu tư 299 hệ thống lọc nước uống, trong đó có 253 điểm trường và 46 trạm y tế với tổng kinh phí hơn 123 tỉ đồng.
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, phần lớn các hệ thống lọc nước uống ở trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện đều bị hư hỏng, xuống cấp, không sử dụng được. Như ở Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, H.Đông Hải) năm 2018 được huyện đầu tư hệ thống lọc nước uống, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn thì... lọc không ra nước. Nhà trường phải bỏ ra 3 triệu đồng thuê thợ sửa chữa song chỉ sử dụng được thêm 5 - 6 tháng lại tiếp tục hư hỏng. Hiện hệ thống lọc nước này đã hư ổ cứng và nhiều thiết bị khác nên không thể sửa chữa, khắc phục được, đang bỏ phế ngoài trời, phơi mưa phơi nắng trong thời gian dài.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương điều tra làm rõ nghi vấn sai phạm nghiêm trọng tại dự án lắp đặt hệ thống lọc nước uống ở trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác minh làm rõ nhiều dấu hiệu bất thường như: giá trúng thầu gần bằng giá khởi điểm, có dấu hiệu nâng khống giá trị thiết bị, gây lãng phí ngân sách nhà nước, một doanh nghiệp trúng liên tiếp 27 gói thầu…
Cứ kiểu này đất nước không nghèo mới lạ!
Quá bức xúc trước công trình “làm nghèo” đất nước kiểu này, bạn đọc (BĐ) Van Nguyen viết: “Không thể tưởng tượng nổi hệ thống lọc nước uống với tổng vốn đầu tư hơn 123 tỉ đồng chỉ mới qua sử dụng một thời gian ngắn “đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi bị bỏ phế”. Mình ở nhà, xài cái bình đun nước hơn 100.000 đồng được 2 năm bị hư mà tiếc hùi hụi, còn ở đây là hơn 123 tỉ đồng. Quá lãng phí, cứ kiểu này đất nước không nghèo mới lạ!”.
Cũng bức xúc không kém, BĐ Anh lái tàu họ Nhạc cho rằng: “Một hệ thống lọc nước 400 - 500 triệu chỉ xài được khoảng 1 năm rồi gần như tất cả trở thành đống sắt vụn thì chắc chỉ có xài tiền ngân sách với suy nghĩ là tiền chùa mới dám sử dụng. Cơ quan CSĐT cần làm rõ, không để những chủ trương đúng nhưng những người thực hiện lại vô trách nhiệm, gây dư luận xấu”.
Còn BĐ [email protected] thì chỉ thẳng: “Vì những công trình “làm nghèo” đất nước kiểu này mà dân khổ”.
Để không còn những công trình “làm nghèo” đất nước
Phải làm gì để không còn những công trình “làm nghèo” đất nước? BĐ [email protected] đặt vấn đề: “Có ai thống kê xem có tỉnh nào không có những công trình, dự án “làm nghèo” đất nước hay không; đã có bao nhiêu người phải bị xử lý vì đã đẻ ra những công trình dự án như thế này? Đó mới là điều BĐ quan tâm nhiều nhất. Vì họ đã thấy nhiều công trình, dự án “làm nghèo” đất nước lắm rồi”.
BĐ Dương Văn Tuấn thì cho rằng: “Sau 1 năm sử dụng là chủ đầu tư mừng rơn vì hết hạn thời gian “bảo hành”. Quan trọng là sự vào cuộc của cơ quan CSĐT về chất lượng thiết bị và giá trúng thầu. Nếu như tiền nhà bỏ ra mua thì chắc chắn không bao giờ có chuyện mua đồ để xài 1 năm cả. Mong sao vụ này được làm rõ”.
Trong khi đó, BĐ Công Thành Trần thẳng thắn cho biết: “Những người thực hiện công trình đã làm nghèo đất nước. Muốn chấn chỉnh vấn nạn này, cần phải truy trách nhiệm cụ thể mới đủ sức răn đe”.
BĐ Trung Nguyen Van cũng cho rằng: “Đừng cứ đổ qua đổ lại rồi huề cả làng. Phải truy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm khắc mới bớt được những công trình “làm nghèo” như thế này”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận yêu cầu cả báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát về chống lãng phí phải nêu rõ trách nhiệm với các dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Mong rằng những công trình “làm nghèo” như thế này cũng phải sớm chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, có vậy mới giảm bớt được”, BĐ N.T.T ý kiến.
* Tôi nghĩ những người liên quan công trình mới là chủ thể “làm nghèo” đất nước. Báo chí cần chỉ đích danh và làm rõ trách nhiệm của những người này.
Tai Tien
* Nước uống chứ có phải nước sinh hoạt đâu mà cần một hệ thống lọc phức tạp, công suất lớn để rồi hỏng hóc thì không có ai đứng ra bảo trì, thay thế? Đưa 50 triệu, tôi làm cho một hệ thống vừa đáp ứng đủ nhu cầu mà lại dễ dàng thay thế sửa chữa.
Biển Hồ
Bình luận (0)