Từ 1 giờ khuya, đoàn công tác của Sở với đoàn phóng viên “đổ” về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn nhiều đêm liên tục.
Thời điểm đó, bao nhiêu con heo vào chợ có gắn vòng, bao nhiêu con heo có vòng nhưng không đầy đủ thông tin từ trang trại, không đủ thông tin từ lò mổ… đều được ban quản lý báo cáo “nóng” cho Sở Công thương. Kế đó, thông tin sẽ đeo vòng truy xuất cho gà cũng được đề cập. Một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM, có thời gian dựng bảng hướng dẫn cho các bà nội trợ cách truy xuất nguồn gốc thịt. Đặc biệt, nhân viên bán hàng cũng luôn cung cấp cho người mua các tem nhỏ dán bao bì đựng thịt để “chứng minh” sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, từ tháng 9.2017, Thanh Niên đã đăng bài Đeo vòng cho heo kiểu đối phó phản ánh tình trạng một số thành phần tham gia chuỗi cung ứng thịt heo có tâm lý làm đối phó. Và đến nay, theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại chợ đầu mối cũng như tại các siêu thị đã “chìm vào quên lãng”.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang đi theo hai hướng: truy xuất để chống hàng gian hàng giả và truy xuất để bảo đảm thực phẩm an toàn. Thế nhưng, thực tế, việc truy xuất để chống hàng gian hàng giả được thực hiện thường xuyên hơn. Với thực phẩm, theo các chuyên gia nhận định là đang làm đối phó và “chưa đâu vào đâu”. Trong khi đó, chính người tiêu dùng trong tâm thế mất niềm tin, nên tìm đến sản phẩm hữu cơ.
Ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc Traceverfied, cho biết: Thực tế, nhiều doanh nghiệp hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP... Tuy nhiên, các chuẩn này vẫn chưa đủ nghiêm ngặt, chưa chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm. Tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Với sản phẩm hữu cơ cũng vậy. Từ nhiều năm trước, phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã hình thành và có không ít doanh nghiệp phải bỏ tiền thuê các đơn vị tư vấn đánh giá theo các tiêu chuẩn phổ biến của Nhật, EU, Mỹ… Đến cuối năm 2017, VN mới có bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù VN có tiêu chuẩn riêng của mình nhưng vẫn chưa có đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn VN.
Theo thông lệ quốc tế, họ ủy quyền cho các đơn vị tư nhân độc lập được cấp phép để chứng nhận các sản phẩm hữu cơ. Còn hiện tại VN chưa “quyết” nên hoạt động theo xu hướng quốc tế hay để các đơn vị sự nghiệp nhà nước đảm nhận. Đây cũng là vấn đề khó khăn với việc cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ VN. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất cho biết để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thật sự cần rất nhiều công sức, vốn đầu tư.
Chính vì vậy khi đã làm thì họ có xu hướng chọn các chứng nhận của Nhật, EU, Mỹ… để tăng uy tín và có lợi về lâu dài. Đây là cái khó cần phải suy xét ở cấp độ quản lý nhà nước trên bình diện tổng quan.
Bình luận (0)