Truyền đạo kiểu 'Hội thánh Đức Chúa trời' tự xưng, bị xử lý ra sao?

29/04/2018 08:09 GMT+7

Dư luận đang bức xúc về việc tại một số địa phương xuất hiện nhóm tự xưng “ Hội thánh Đức Chúa Trời ” hoạt động mang tính trục lợi, mê tín dị đoan, gây hậu quả xấu cho xã hội...

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định những người cầm đầu nhóm này, nếu không chấm dứt việc tuyên truyền trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Vậy quy định pháp luật xử lý trong những trường hợp này ra sao?
Theo luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM), “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” là một quyền được hiến định, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018) cũng nêu: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng; còn “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”. “Thông tin báo chí phản ánh cho thấy hoạt động của những nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời” tự xưng là một hoạt động có tính chất “tôn giáo”. Hội này được thành lập bởi nhóm người, tổ chức, vận động lôi kéo người khác, kể cả tín đồ của tôn giáo khác tham gia, với nội dung truyền đạo vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội và mê tín dị đoan… Đó là hành vi vi phạm pháp luật”, LS Hưng nói.
Có thể bị phạt tù
Với những hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời” tự xưng, các chuyên gia pháp luật khẳng định có thể xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính, LS Nguyễn Khắc Hùng (Đoàn LS Hà Nội) cho biết căn cứ điểm g khoản 3 điều 5 vi phạm quy định về trật tự công cộng (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) thì cá nhân nào lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng. Còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định những nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời” hoạt động thời gian vừa qua chưa được nhà nước thừa nhận thì sự tồn tại và hoạt động của nó là bất hợp pháp. “Đến thời điểm này có thể khẳng định hội này đang hoạt động có tổ chức, có mục đích. Hơn nữa, cách thức truyền đạo của hội này mang tính mê tín, dị đoan và đi ngược lại với truyền thống dân tộc và trái với hoạt động tín ngưỡng. Thậm chí có thông tin rằng những người theo “Hội thánh Đức Chúa Trời” buộc phải nộp cho hội một số tiền bằng 10% thu nhập. Nếu điều này đúng thì những người tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã vi phạm điều cấm của pháp luật, là lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, có thể xử lý hình sự theo điều 331 bộ luật Hình sự 2015, tội “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ông Hoan phân tích.
Cũng theo ông Hoan, điều 331 không quy định “xâm phạm” như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm. Chỉ cần cá nhân, tổ chức phạm tội với lỗi cố ý, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để xâm hại lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là có thể bị xử lý hình sự với mức hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. “Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm”, LS Hoan cho hay.
Thủ tục công nhận tôn giáo
Một trong những dấu hiệu xác định “Hội thánh Đức Chúa Trời” vi phạm pháp luật là hội này chưa được nhà nước thừa nhận. Vậy điều kiện nào để được công nhận là một tổ chức tôn giáo?
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định để được công nhận là một tổ chức tôn giáo phải đáp ứng đủ các điều kiện: hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; có hiến chương theo quy định tại điều 23 của luật này; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân VN thường trú tại VN, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở T.Ư cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; công nhận tổ chức tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Những trường hợp từ chối cấp chứng nhận đăng ký phải nêu rõ lý do.
Nhiều địa phương xử lý “Hội thánh Đức Chúa Trời” tự xưng
Tại tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2015 xuất hiện nhiều người ở các tỉnh ngoài và cả một số người trong tỉnh tự xưng là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia. Trong số người tham gia có người là hiệu phó của một trường tiểu học trên địa bàn H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ông này đã bị kỷ luật cảnh cáo do tham gia hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời" làm ảnh hưởng đến công việc. Để ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật của những nhóm tự xưng là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, công an và chính quyền các huyện đã kiểm tra hành chính, lập biên bản, yêu cầu các chủ nhóm ký cam kết không được tổ chức hoạt động hội trên địa bàn. Ban Tôn giáo tỉnh; công an các huyện, thị xã, thành phố; các trường đại học; tỉnh đoàn… đã ra văn bản cảnh báo người dân, học sinh, đoàn viên thanh niên cần cảnh giác với các hoạt động trên, tránh bị lôi kéo tham gia những hoạt động chưa được pháp luật cho phép, gây mất an ninh trật tự...
Tại tỉnh Ninh Bình, ngày 27.4 Sở GD-ĐT có văn bản gửi các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn đề nghị có biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về những ảnh hưởng tiêu cực của “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Còn tại H.Phú Quốc (Kiên Giang), UBND huyện có văn bản yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh có ý thức cảnh giác, không nghe lời xúi giục, lôi kéo; chủ tịch UBND các xã, thị trấn, trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường học quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình diễn biến trên địa bàn để kịp thời can thiệp...
Minh Hải - Thu Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.