Không ầm ĩ tai tiếng, cũng chẳng có ngôi sao ăn khách như các show truyền hình thực tế giải trí, những chương trình truyền hình thực tế mang tính nhân đạo lặng lẽ hơn khi lên sóng nhưng lại có sức bền và độ lan tỏa sâu rộng.
MC Quyền Linh cùng các đội chơi trong Nhịp cầu ước mơ - Ảnh: L.T
Ngán chiêu trò câu khách
Sau thời gian bùng phát chương trình truyền hình thực tế (THTT) thuần giải trí, khán giả đã bắt đầu ngán ngẫm với các chiêu trò câu khách kiểu bi kịch hóa số phận nhân vật hay dàn dựng quá lố. Không chỉ vậy, do “vấp” nhiều cú lừa quá… ngoạn mục từ các chương trình THTT (vụ lộ đoạn ghi âm sắp đặt kết quả của Giọng hát Việt làm giám đốc âm nhạc Phương Uyên xin lỗi khán giả, chuyện ca sĩ Anh Thúy đeo mặt nạ đi thi Nhân tố bí ẩn lấy tên Huyền Minh bị phát hiện khiến cô phải xin lỗi khán giả, sự cố Tấn Phát uống nhầm a xít nhưng môi, miệng vẫn bình thường trong Vietnam’s Got Talent…) nên giờ đây, mỗi khi có sự cố xảy ra trên các sân chơi này, khán giả luôn nghi vấn có dàn dựng. Người bị nạn không những không nhận được sự sẻ chia của công chúng mà còn bị lên án khi trở thành nhân tố “tiếp tay” cho nhà tổ chức trong mục đích tăng lượt khán giả xem chương trình.
Khi làn sóng THTT giải trí ngày càng chìm lắng, nhất là mới đây với quyết định dừng phát sóng một số chương trình, các chương trình THTT nhân đạo trở nên được “quan tâm”, từ cả khán giả đến những đơn vị tổ chức, sản xuất và tài trợ. Bằng chứng là trong hơn tháng qua, có 3 chương trình ra mắt: Thay đổi cuộc sống (mang đến cơ hội cải thiện khiếm khuyết trên cơ thể những bạn trẻ bị dị tật, giúp họ xóa bỏ được mặc cảm về ngoại hình và chạm đến gần hơn ước mơ của mình, phát trên VTV2), Kiến tạo nhịp cầu (xây cầu thiện nguyện, giúp cải thiện tình hình giao thông vùng sông nước, nhất là việc đi lại của học sinh, trên HTV7), Phép màu sắc đẹp (tương tự Thay đổi cuộc sống, nhưng hoàn toàn thuần Việt và có thêm cam kết “bảo hành trọn đời” cho các nhân vật được phẫu thuật). Đó là chưa kể, hàng loạt chương trình, game show mang tính nhân văn vẫn giữ lượt người xem ổn định và cải tiến qua từng giai đoạn phát sóng để thu hút hơn: Vượt lên chính mình (đang phát sóng năm thứ 10), Lục lạc vàng (năm thứ 4), Nhịp cầu ước mơ (năm thứ 2), Ngôi nhà mơ ước (năm thứ 10), Cùng xây tương lai (năm thứ 2), Khát vọng sống (năm thứ 7), Vì bạn xứng đáng (năm thứ 3)…
Ca sĩ Thủy Tiên (phải), một trong những nhân vật được Phép màu sắc đẹp biến ước mơ thành sự thật - Ảnh: N.V
|
Lễ trao tặng bò trong chương trình Lục lạc vàng - Ảnh: Lasta
|
Nhờ THTT mới có cầu qua sông
|
Sau gần một năm phát sóng, chương trình đã xây được 10 cây cầu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp. Xúc động trong ngày khánh thành cầu mới ở quê mình (xã An Nhơn, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), bà Phan Thị Tám, năm nay đã 82 tuổi xúc động nói: “Ở đây từ nhỏ tới lớn, ghe là phương tiện đi lại duy nhất. Không có cầu nên đưa mấy đứa nhỏ đi học cực lắm. Giờ để làm cây cầu này, tôi sẵn sàng hiến đất, tiếc thì cũng tiếc nhưng nghĩ tới chuyện có cây cầu đi lại cho khỏe thân nên hiến hết”.
Nhìn chiếc cầu mới được xây lên, ông Trương Văn Chánh, nguyên chủ tịch huyện Trà Ôn, Vĩnh Long cũng vui mừng khôn xiết, vì: “Đây là mơ ước cả cuộc đời mà đến tuổi gần đất xa trời tôi mới nhìn thấy được”. Được biết sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục khảo sát và xây thêm 24 cây cầu nữa cho các huyện khó khăn tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Có lẽ, chính vì những câu chuyện thương tâm về tai nạn ở vùng sông nước liên tục được truyền tải trong vài năm gần đây, nên tiếp sau Nhịp cầu ước mơ, chương trình Kiến tạo nhịp cầu vừa được thực hiện không ngoài mong muốn góp phần nối những bờ vui. Hiện tại, chương trình đã hoàn thành được ba cây cầu tại hai huyện Hậu Mỹ Trinh và An Thái Trung của tỉnh Tiền Giang.
Là MC đồng hành cùng nhiều chương trình, game show nhân đạo, nghệ sĩ Quyền Linh (vừa dẫn Nhịp cầu ước mơ thay cho nghệ sĩ hài Thanh Nam do sức khỏe của ông không cho phép) cho biết: “Chứng kiến cảnh reo mừng của bà con hai bên cầu khi đi những bước đầu tiên trên đó mà tôi ứa nước mắt. Vì tôi biết nhiều gia đình đến hai, ba thế hệ chờ mong ngày này. Có ông cụ chạy đến vừa ôm tôi vừa chùi nước mắt, ông mừng vì từ nay không còn lo cháu mình lỡ chân rớt xuống sông, ông vui đến mức nói rằng đang đi trên cầu mà lâng lâng tưởng như đi máy bay”.
Chính vì thế, dẫu đã 10 năm rong ruổi khắp các vùng cao miền xa theo những game show thực tế (kể từ 2005 khi Vượt lên chính mình phát sóng), nhưng chưa bao giờ Quyền Linh thấy mình thôi háo hức trước mỗi hành trình mới. “Tôi nghĩ, những chương trình như thế này cần được nhân rộng hơn nữa, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của các mạnh thường quân, bởi tôi biết có những nơi dù chính quyền địa phương rất muốn xây cầu, nhưng gặp phải khó khăn về kinh phí, rồi kỹ thuật… Ngay cả tôi, khi về Cà Mau xây trường (trong chương trình Cùng xây tương lai mà anh làm MC) cũng bị té lên té xuống với mấy cây cầu khỉ dài ngoằng. Nghe mấy em học sinh nói thấy mà thương: nhiều khi không tới được trường vì không dám qua cầu”, Quyền Linh bày tỏ.
Bình luận (0)