Những hòn đá khổng lồ gắn bó với đời sống buôn làng vùng hồ Lắk vẫn lung linh với những truyền thuyết hư thực…
Người dân trong vùng tin rằng thần đá Yang Tao phù hộ họ bao đời nay |
Giữ đá bằng “huyền thoại”
Đến đầu xã Yang Tao, H.Lắk (Đắk Lắk) dễ nhận ra tảng đá sừng sững như con voi khổng lồ nằm phủ phục giữa cánh đồng cạnh buôn Yốk Đuôn đang vào vụ gặt. Hình dạng đá như một ngọn núi trơ trụi thu nhỏ, với chiều dài khoảng 70 m, chu vi gần 200 m, đỉnh cao gần 15 m. Trên lưng đá có vết lõm lớn như cái hố và vô số lỗ sâu như dấu chân người, voi, trâu, bò…
Ông Ma Rế dừng tay cắt lúa, chỉ vào tảng đá: “Từ xưa, đá này được người M’Nông mình gọi là Yang Tao, nghĩa là thần đá. Không hiểu tại sao giữa cánh đồng trống trải này lại mọc lên hòn đá lớn như vậy. Chỉ có yang (trời, thần - NV) mới đưa được nó về đây!” .
Ông Ma Bơi, một bô lão trong vùng, cho biết người dân nơi đây ai cũng nằm lòng truyền thuyết kỳ bí về tảng đá. Xưa kia, một buổi sáng người dân lục tục ra đồng cày cấy thì ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy xuất hiện một hòn đá lớn giữa ruộng lúa. Lúc đó, hòn đá vẫn còn mềm như đống bùn dẻo, nhiều người kéo đến xem, trèo lên mình đá chạy nhảy, vui đùa... Vài hôm sau, hòn đá bắt đầu cứng lại, một cô gái xinh đẹp đang chơi trên đá bỗng sa chân vào một hố nhỏ rồi bị đá nuốt dần cả người. Dân làng hoảng hốt xúm lại kéo cô gái ra khỏi hố nhưng không thể cứu được; thậm chí họ đưa cả voi, trâu, bò đến kéo nhưng vẫn bất thành. Đến đêm, người dân trong buôn ngủ mơ thấy vị thần đá hiện lên bảo đã lấy cô gái về làm vợ và sống hạnh phúc, thần đá sẽ phù hộ cho buôn làng. Hôm sau, già làng sắm sửa lễ vật cúng tạ thần đá; từ đó hòn đá trở thành vật thiêng của buôn làng.
Ông Ma Bơi cho biết dưới chân tảng đá lúc nào cũng có mạch nước chảy rỉ ra ngay cả trong mùa khô hạn, nhờ đó ruộng lúa quanh vùng luôn tươi tốt, mùa màng bội thu. “Hòn đá giúp ích cho buôn làng như thế nên người dân ở đây ai cũng tôn trọng, bảo vệ nó. Mấy chục năm trước có người từ xa đến đây lén thuê thợ bổ búa lấy đá thì thấy chất lỏng trong đá chảy ra đỏ như máu, họ sợ quá nên bỏ đi. Từ đó không ai dám dùng vật cứng động vào đá”, ông Ma Bơi kể với vẻ thành kính.
Đá voi “tình yêu”
Cách buôn Yốk Đuôn khoảng 5 km về đông bắc, cũng có một hòn đá hình dạng voi nằm như đá Yang Tao nhưng lớn hơn khoảng hai, ba lần, được người dân trong vùng gọi là “đá voi mẹ”. Đá này nằm gần chân núi Yang Sin hùng vĩ, giữa khoảnh rừng thưa, bên cạnh là dòng suối nhỏ chảy róc rách ngày đêm. Trên thân đá có rất nhiều hình vẽ trái tim, tên nam nữ và những câu nguyện ước.
Ông Y Khang, người dân gần đó, cho biết trong vùng xem đá như vị thần bảo bọc cho tình yêu, nhiều đôi nam nữ thường đến đây viết tên mình vào đá, cầu khấn đá cho họ có được tình yêu vững bền. Theo ông Y Khang, đá voi mẹ này gắn với giai thoại về chàng trai nghèo đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp cùng buôn, nhờ khấn cầu thần đá giúp mà chàng trai được cô gái đem lễ vật sang nhà bắt làm chồng…
Theo ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng phòng VH-TT H.Lắk, đến nay vẫn chưa có ai lý giải về sự xuất hiện của những tảng đá voi khổng lồ ở trong vùng. “Chính sự kỳ lạ này mà từ xưa, đồng bào M’Nông trong vùng tạo nên truyền thuyết ly kỳ về “thần đá”, đá biết đi, đá nuốt người để lý giải những dấu vết giống như dấu chân người, thú trên thân đá”, ông Tài giải thích. Ông Tài cũng cho biết sắp tới phòng VH-TT huyện sẽ xem xét tôn tạo những hòn đá voi “huyền thoại” này thành điểm đến thú vị cho du khách trong cụm du lịch quanh hồ Lắk.
Bình luận (0)