Truyền kỳ làng trạng Vĩnh Hoàng - Kỳ 3: Người kể chuyện trạng bằng... cọ

07/04/2015 05:59 GMT+7

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ trước đến nay đều được kể bằng... mồm, ấy vậy mà lại có một cụ ông chất phác dùng... cọ để dẫn chuyện, thi thố.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ trước đến nay đều được kể bằng... mồm, ấy vậy mà lại có một cụ ông chất phác dùng... cọ để dẫn chuyện, thi thố.

Sau nhiều năm múa cọ, cụ Chư đã có ngót nghét 300 bức tranh kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng rất đáng quý - Ảnh: Nguyễn Phúc
Sau nhiều năm múa cọ, cụ Chư đã có ngót nghét 300 bức tranh kể chuyện trạng
Vĩnh Hoàng rất đáng quý - Ảnh: Nguyễn Phúc
Cụ ông mà tôi nhắc đến có tên Trần Hữu Chư (76 tuổi, trú làng Huỳnh Công Tây 2, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hiện trong giới “trạng sư” ở làng trạng Vĩnh Hoàng, nếu cụ Trần Đức Trí được xem là người có giọng kể biểu cảm, xuất thần nhất thì cụ Chư chính là người có công to nhất làng này khi đã sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện trạng từ cổ chí kim. Chưa hết, vì quá mê trạng mà cụ còn biến mình thành... họa sĩ.
Vực dậy khí phách Vĩnh Hoàng
Cụ Chư có dung mạo khá giống một ông tiên từ trong tưởng tượng của tôi ngày bé, với mái tóc bạc trắng, đôi chân mày cũng lốm đốm bạc.
Cụ Chư bảo, tuổi thơ khốn khó, cụ lớn lên với những câu chuyện trạng mẹ kể hằng đêm. Lúc bé tí, cụ đã thuộc như cháo chảy mấy câu chuyện trạng “đời cũ” như: Bắt bọp quạ, Cây ớt gia truyền, Đi săn trâu ri... Với cụ, chuyện trạng là máu thịt.
Cụ Chư tham gia cách mạng từ rất sớm, và những ngày chiến tranh ác liệt cụ đã đi qua nhiều chốn rừng rú của Quảng Trị như Bến Quan, Cù Bai, Hướng Lập. Đến đâu, cụ cũng mang những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng “phổ biến” cho đồng đội, bà con nhân dân ở đó. Khi đất nước hòa bình, cụ Chư có thời làm ở công ty thực phẩm, trước khi nghỉ hưu, trở về nhà. Nhưng cụ không nghỉ hẳn mà nhận nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm hợp tác xã Huỳnh Công Tây. “Ngày đó tinh thần lao động bà con đi xuống lắm, phần nhiều do cán bộ đời trước làm sai nhiều... Sau nhiều đêm ngửa mặt lên trời, tôi ngộ ra rằng chỉ có chuyện trạng Vĩnh Hoàng, thứ “vũ khí” của cha ông để lại mới đủ sức mạnh vực dậy khí phách trong nhân dân”, cụ Chư tâm sự.
Thêm nữa, cụ cũng trăn trở rằng chuyện trạng Vĩnh Hoàng thế giới đã từng biết nhưng đang dần mai một, thất lạc hết. Cuối cùng, cụ đã tìm ra một cách thể nghiệm mới cho chuyện trạng, ấy là sử dụng hội họa, để mọi người có thể chiêm nghiệm chuyện trạng bằng... mắt.
Tô màu... cho chuyện trạng
Vốn thật thà, cụ Chư thú thật mình chưa bao giờ được đi học vẽ một cách đàng hoàng, chỉ may mắn vì có chút hoa tay trời ban.
Bức tranh đầu tiên của cụ được vẽ vào năm 1997 “kể” về câu chuyện Cây ớt gia truyền, cụ treo ở trong nhà và được khen là có hồn phách. Hứng chí, cụ vẽ, hết ngày này qua ngày khác, quên cả giờ cơm, quên cả những lời cằn nhằn của vợ.
Không có tiền, muốn có giấy cụ Chư đã lột mặt sau của những tờ lịch cũ để vẽ tranh lên đó, muốn có màu, cụ chỉ dám mua những hộp màu rẻ tiền và tằn tiện đến mức không bao giờ để màu rơi xuống đất trong lúc vẽ. Ấy thế mà đã có trên dưới 300 bức tranh về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã lần lượt ra đời. “Cái khó nhất là phải tưởng tượng chú ạ. Chuyện thì dài mà tui gói gọn chỉ trong 1 bức tranh thì phải chọn lựa chi tiết sao cho đắt để người ta nhìn vào sẽ nhận ra ngay đó là tranh về câu chuyện trạng đó”, cụ Chư nói.
Nói đoạn, cụ cầm bức tranh Bắt cọp đi cày rồi vừa kể chuyện: “Dân tui có nói trạng mô, này nhé, bữa nớ nhà còn mấy đám ruộng nên trời chưa sáng, tui đã xéc bù nác (bình đựng nước) lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn. Thấy trời chưa sáng, tui cho bò ăn một chặp (một lúc). Sau đó, tui mới bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng (béo) cả, không biết con nào là con Ô, con nào là con Dề. Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Chỉ mới loáng cái mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai, tui mới cày được mấy đàng (đường) tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tức máu quá, tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên rồi hắn xây cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là Ô Dề mô! Sẵn cái rựa, tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Rứa là hắn đã làm tui lỡ mất một bữa cày!”.
Có một “kho” tranh Vĩnh Hoàng đồ sộ nhưng từ trước đến nay, cụ Chư chỉ cho nếu ai thích chứ không bán kiếm tiền. Có nhiều đoàn khách tham quan làng trạng thấy cụ lặng lẽ vẽ tranh cũng muốn mua tranh hay ủng hộ ít tiền để có chút lận lưng, đặng làm tiếp công việc ý nghĩa của mình nhưng cụ đều lắc đầu. “Ai mà thích quá thì tôi tặng, tôi biếu chứ tiền bạc mần chi. Việc tôi đang làm đây là gìn giữ hồn phách cho làng tui, cho con cháu đời sau, nếu đụng đến tiền bạc thì hư hao đôi phần ý nghĩa. Hơn nữa mục tiêu tối thượng của tui cũng là làm sao để chuyện trạng bay xa. Họ cầm tranh của tui tức là họ giúp tui rồi...”, cụ Chư trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.