Sau 1 tuần diễn ra (từ ngày 24 - 31.3), triển lãm Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn do UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia I tổ chức đã thu hút đông đảo người dân, du khách, nhất là những người trẻ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử vùng biển Đà Nẵng, chủ quyền của Việt Nam.
Tròn 5 năm đi vào hoạt động, những triển lãm do Nhà trưng bày (NTB) Hoàng Sa tổ chức thực sự đã góp phần nâng cao nhận thức của người trẻ trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo thông tin từ NTB, trong 5 năm qua, NTB đã đón hơn 89.000 lượt khách với hơn 1.430 đoàn khách. Trong đó, năm 2022 NTB đón hơn 23.000 lượt với 279 đoàn. Đối tượng khách chủ yếu đến với NTB là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, chiếm gần 50% tổng số lượt khách. Cứ mỗi đợt triển lãm tại chỗ, NTB lại đón tiếp rất nhiều đoàn khách là các cơ sở Đoàn thanh niên thuộc các đơn vị vũ trang, các trường đại học, THPT…
Theo dõi hoạt động của NTB những năm qua, người viết nhận thấy đơn vị đã rất nỗ lực trong việc đưa chủ quyền Hoàng Sa đến với giới trẻ.
Có mặt tại triển lãm nói trên, người viết chứng kiến cảnh một nhóm học sinh THPT dừng lại rất lâu trước các tài liệu ở chủ đề "Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn". Những học sinh bằng kiến thức về ngoại ngữ của mình đã cố gắng dịch nghĩa một tài liệu tiếng Pháp vào năm 1941. Thực tế này cho thấy NTB Hoàng Sa đã phần nào góp công sức để lan tỏa chủ quyền Hoàng Sa nói riêng và chủ quyền biển đảo nói chung đến thế hệ trẻ, giúp các em không chỉ hiểu sâu sắc mà còn nhận được "ngọn lửa" đam mê tìm tòi, nghiên cứu…
Người viết rất tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, rằng "Hoàng Sa, còn nhớ là không thể mất". Xây dựng một thế hệ không bao giờ quên, sẵn sàng lãnh trách nhiệm để tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì Hoàng Sa không bao giờ mất!
Bình luận (0)