Đây là một trong những hạn chế trong công tác truyền thông chính sách được Phó cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo nêu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, truyền thông năm 2023, do Bộ TT-TT tổ chức tại Quảng Ninh ngày 24.11.
Theo ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ TT-TT), trong thời gian qua, có một số cơ quan, đơn vị chủ động phân công lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác truyền thông cung cấp thông tin, nhưng cũng có những đơn vị chưa chủ động, chưa chú trọng hoặc quan tâm đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của ngành, của bộ. Thậm chí né tránh hoặc không muốn tiếp xúc với giới truyền thông.
Các Sở TT-TT cũng tương tự, có những sở thì chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa có điều kiện để tạo dựng kết nối với các cơ quan báo chí.
Ông Đỗ Công Anh cho hay: "Kết quả là khi muốn truyền thông về chính sách hoặc về những việc mình làm tốt thì không lan tỏa được. Khi có sự cố thì cũng không biết làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông. Khi đó thì thường sẽ kết nối đến Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử xin tư vấn".
Làm mới truyền thông chính sách
Chỉ ra những hạn chế trong công tác truyền thông chính sách, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cho hay truyền thông chính sách hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện, chỉ cung cấp thông tin mà ít chú ý tới câu chuyện. Bên cạnh đó, chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách, nặng về "định tính" hơn "định lượng", chưa đầu tư nguồn lực tương xứng về nguồn lực, phương tiện...
Lấy dẫn chứng từ sự cố truyền thông liên quan đến dự án "hòn non bộ" ở Quảng Ninh hay hồ Kaket ở Bình Thuận nổi lên trong thời gian gần đây, Phó cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, cách giải quyết khủng hoảng truyền thông của Bình Thuận rất kịp thời. Ngay sau sự cố, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức ngay họp báo, Bí thư tỉnh ủy trực tiếp trả lời thông tin báo chí; đưa các nhà báo đi thực địa tại cơ sở… Đó chính là cách làm mới của truyền thông chính sách.
Bà Thảo nhìn nhận: "Một số sự cố "khủng hoảng truyền thông" liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Các ngành, địa phương cần thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương", bà Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Phó cục trưởng Cục Báo chí, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.
Ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, nhìn nhận việc đẩy mạnh truyền thông về các lĩnh vực hoạt động của bộ, của ngành thông tin và truyền thông cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tại hội nghị, Bộ TT-TT đã công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành TT-TT kết nối các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành với các cơ quan báo chí. Mạng lưới truyền thông bao gồm 32 cơ quan, đơn vị thuộc bộ và 63 sở TT-TT.
Bình luận (0)