Truyền thống lăn xả trong bão lũ

Bão số 10 vừa vào bắc Trung bộ gây nhiều thiệt hại về hạ tầng, nhà cửa lẫn sinh mạng người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức ngưng hàng loạt cuộc họp để đi thị sát tình hình và chỉ đạo phải bảo đảm cuộc sống cho người dân, không để một ai thiếu đói.
Suốt 20 năm làm việc cho Báo Thanh Niên ở miền Trung, không năm nào chúng tôi không phải tung người vào các vùng bão, lũ đang diễn ra với các chương trình cứu trợ khẩn cấp.
Sau đó là các đợt khảo sát, cùng bạn đọc và các doanh nghìệp có lòng hảo tâm cứu trợ lâu dài hơn như xây dựng, sửa chữa trường học, nhà cửa cho người dân hoặc những chương trình quy mô khác như xây dựng hệ thống hạ thế điện, làm cầu nông thôn...
Nhiều PV từng gặp nguy hiểm đến tính mạng khi đi tác nghiệp ở những vùng nguy hiểm, bị chia cắt lúc thiên tai đang diễn ra. Mỗi ngày phải lên đường từ sáng sớm rồi quay về văn phòng hoặc bất cứ chỗ nào có điện, có internet lúc chiều tối để viết bài hoặc truyền ảnh.
Có lần tôi và anh Đặng Ngọc Khoa ở vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, vừa tường thuật thiệt hại, vừa vận động Đoàn thanh niên các địa phương, trường học ở thị trấn, thị xã quyên góp gạo, sách vở để cứu trợ kịp thời. Trận lũ kinh hoàng các năm 1999, 2000, cộng tác viên Hoàng Đức tại Đông Hà (Quảng Trị) phải vét tiền tiết kiệm của vợ và mua chịu tất cả mì tôm, phở và cháo gói ở chợ để kịp đi cứu trợ khi mọi đường giao thông bị cắt đứt.
Các PV thường trú phải ngày đêm túc trực ở các địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương chặt chẽ để hàng hóa đến tay người dân đúng đối tượng, công bằng và thiết thực nhất. Nhiều doanh nhân trẻ ở Đà Nẵng đã cùng chúng tôi chèo ghe vượt sông Thu Bồn đang chảy xiết để đưa mì gói sang vùng Triêm Tây hay Gò Nổi (Quảng Nam), đến các xã vùng cao Quảng Bình, Quảng Ngãi để kịp thời chia sẻ những mất mát của bà con...
Nhiều vị lãnh đạo địa phương như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi từng phát biểu là chính những thông tin nóng hổi về bão lụt trên Thanh Niên đã giúp địa phương điều chỉnh kịp thời công việc chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu hộ và cứu trợ cho người dân...
Trong nhiều năm, do lượng hàng hóa của bạn đọc và các nhà tài trợ lớn và gấp rút, phải nhờ đến xe tải của các doanh nghiệp và quân đội trên địa bàn để vận chuyển. Các anh em lái xe đó luôn từ chối các khoản bồi dưỡng ăn trưa mà đoàn công tác gửi đến. Có anh nói: Được đi cứu trợ với Báo Thanh Niên là niềm vui! Có anh còn dẫn theo cả con trai để các cháu hiểu được nỗi khổ của người dân.
Có thể nói, PV của Thanh Niên ở nhiều tỉnh, nhiều văn phòng thường trú đều có nhiệm vụ chính trong năm là: Tường thuật bão lụt, vận động tài trợ và tổ chức cứu trợ mỗi khi có thiên tai. Đó là một truyền thống quý giá.
Năm nay, khi cơn bão số 10 gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh bắc Trung bộ, tôi cũng tin tưởng rằng, các PV của Báo Thanh Niên luôn là những người có mặt sớm nhất tại các điểm nóng, không chỉ tường thuật mà còn tiếp tục mang những tình cảm ấm áp của bạn đọc đến với các nạn nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.