Trước sự chứng kiến của khoảng 100 nguyên thủ quốc gia và quan khách, vua Charles sẽ chính thức lên ngôi trong lễ đăng quang diễn ra vào sáng 6.5 (giờ địa phương) tại Tu viện Westminster ở London, nơi đã tổ chức tất cả các lễ đăng quang của quân chủ Anh kể từ thời vua William I năm 1066.
Vua Charles kế vị sau khi mẹ ông, nữ hoàng Elizabeth II, qua đời vào tháng 9 năm ngoái. Ở tuổi 74, ông sẽ trở thành quốc vương Anh lớn tuổi nhất được đội vương miện St Edward 360 năm tuổi trên đầu khi ông bước lên ngai vàng có từ thế kỷ 14 tại Tu viện Westminster trong lễ đăng quang.
Theo Reuters, tài liệu về chương trình buổi lễ đã được Điện Buckingham công bố cho biết nghi lễ đăng quang đã được sửa đổi qua nhiều thế kỷ, thích ứng với những nhu cầu liên tục thay đổi. Buổi lễ của vua Charles sẽ là lễ đăng quang đầu tiên có một đoàn rước quy tụ các lãnh đạo tôn giáo, "phản ánh sự đa dạng của Vương quốc Anh và người dân trong vương quốc, trái ngược hoàn toàn với 70 năm trước".
Trên danh nghĩa, vua Charles được xem là "Người Thống lĩnh Tối cao" (supreme governor) của Giáo hội Anh (theo Anh giáo, một nhánh của Cơ đốc giáo) với danh hiệu "Người Bảo vệ Đức tin". Song từ lâu, ông đã tuyên bố rằng ông muốn trở thành người bảo vệ tất cả các tôn giáo và thường nói về cam kết của mình với đạo Cơ đốc, đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Phật, đạo Sikh cũng như các tôn giáo khác.
Theo kế hoạch, vua Charles sẽ là vị quân chủ đầu tiên cầu nguyện trong lễ đăng quang "trước sự chứng kiến của công chúng để đem đến phước lành cho tất cả mọi người... bao gồm mọi tín ngưỡng". Ngoài ra, những người được chọn để dâng lên cho nhà vua các biểu chương mang tính lịch sử, bao gồm quyền trượng và chùy, nhẫn và thìa, cũng sẽ phản ánh sự đa dạng của Vương quốc Anh ngày nay.
Tình yêu thiên nhiên của nhà vua cũng sẽ được phản ánh qua trang phục của vợ ông, hoàng hậu Camilla, người cũng sẽ cử hành nghi lễ lên ngôi. Áo choàng của bà sẽ có hình con ong, bọ cánh cứng và một số loại cây.
"Không một quốc gia nào khác có thể tổ chức một màn trình diễn rực rỡ như vậy - các đoàn rước, các nghi thức nghi lễ và các bữa tiệc đường phố... Đó là sự thể hiện đầy tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của chúng ta. Một minh chứng sống động về tính cách hiện đại của đất nước chúng ta", Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu hôm 5.5.
Buổi lễ sẽ có quy mô nhỏ hơn so với sự kiện được tổ chức cho nữ hoàng Elizabeth vào năm 1953, trong bối cảnh người dân Anh đang đương đầu với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, các hoạt động ăn mừng sẽ diễn ra xuyên suốt dịp cuối tuần và kéo sang thứ Hai tuần sau.
Một điểm đáng chú ý khác là sự vắng mặt của Meghan Markle, vợ hoàng tử Harry và là con dâu của vua Charles. Căng thẳng trong những năm qua giữa vợ chồng công tước Sussex và những thành viên còn lại trong hoàng gia Anh đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo báo The New York Times, hoàng tử Harry sẽ về Anh để tham dự buổi lễ trong khi Meghan vẫn ở California (Mỹ) cùng hai con Archie và Lilibet.
Bình luận (0)