Bộ sưu tập cá nhân xuất sắc
Nhà sưu tập Trần Đình Thăng vẫn nhớ thời điểm ông mua đôi liễn gốm men trắng thời Lý, vào năm 1986 ở Hà Nội. Đó cũng là hiện vật đầu tiên trong nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý 9 món mà ông rất tự hào. Sau đó, ông còn mua thêm mấy đợt gốm men trắng thời Lý nữa và gom lại thành một nhóm hiện vật. Hồ sơ để xét bảo vật quốc gia cho nhóm hiện vật này đang được chuẩn bị.
Đây là một trong những nhóm hiện vật sẽ trưng bày trong chuyên đề Gốm Việt Nam: một truyền thống riêng biệt - nhìn từ sưu tập An Biên. Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 19.11 tới cuối năm. Trưng bày sẽ kết hợp cả bộ sưu tập gốm mang tên An Biên của ông Thăng và một số hiện vật của bảo tàng. “Chúng tôi chọn trưng bày các hiện vật của An Biên trên cơ sở chất lượng của chính bộ sưu tập đó”, TS Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.
Ấm chất liệu men nâu. Niên đại thế kỷ 13 - 14 |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Là chủ bộ sưu tập An Biên, ông Trần Đình Thăng chia sẻ về việc vì sao trong khi nhiều người chơi cổ vật ít muốn tiết lộ thông tin với công chúng mà ông lại mang bộ sưu tập ra giới thiệu. Theo ông, việc mang cổ vật ra giới thiệu là vì sự nghiệp di sản, vì mong muốn giữ bản sắc thông qua giới thiệu bản sắc gốm. “Bây giờ có luật Di sản rồi, mình có quyền sở hữu rồi, đâu có gì mà phải sợ mất mát. Thứ nữa là, sưu tập cứ minh bạch và công khai đã. Ví dụ như rõ ràng xuất xứ, hiện vật đời nào. Một số nhà sưu tập không dám ra ngoài để chuyên gia giám định vì anh sợ mua hớ, hay bị nhìn giá. Nhưng thị trường cũng cần công khai, cần đưa hiện vật ra có giám định, có đăng ký”, ông Thăng cho biết.
Việc sưu tập của ông Thăng cũng rất tình cờ. Trước đây, ông làm công việc có liên quan đến các cơ quan có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn các sứ quán nước ngoài. “Tôi chơi với họ và thấy họ rất yêu mến di sản văn hóa Việt Nam. Môi trường đó làm tôi nhận thức rõ hơn về di sản văn hóa. Thấy ở nước ngoài, người ta tư duy trước rồi mình bắt chước, người ta nhận thức rõ hơn, sau đó mình sưu tập thôi”, ông chia sẻ.
Bình kendi chất liệu gốm hoa lam. Niên đại thế kỷ 15 |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Liễn, chất liệu gốm hoa nâu. Niên đại thế kỷ 13 - 14 |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Đánh thức câu chuyện gốm Việt
Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia trưng bày thành nhiều chủ đề tương ứng với các thời kỳ và các hiện vật cho thấy câu chuyện gốm của thời kỳ đó.
Ở chủ đề Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên, có mô hình nhà rất thú vị. Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mô hình nhà là đồ minh khí tùy táng thường gặp trong các mộ gạch có niên đại thế kỷ 1 - 3. Nó là sự phản ánh thu nhỏ của các kiến trúc nhà và môi trường trên thực tế. Cũng vì thế, nó cho thấy các dạng thức kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và đời sống sinh hoạt hiện thực đương thời. “Nếu như các mô hình nhà ở miền bắc Trung Quốc phần lớn là loại nhà lợp ngói ống, kiến trúc đấu củng thì ở Việt Nam xuất hiện loại nhà có mái lợp tranh tre, rơm rạ. Điều đó phản ánh tương đối rõ nét tính địa phương độc đáo của loại hình hiện vật này”, TS Nguyễn Viết Đoàn cho biết.
Với chủ đề Gốm Việt Nam thế kỷ 11 - 14, công chúng được chiêm ngưỡng gốm thời Lý - Trần. Đây là thời kỳ gốm có bản sắc riêng, đa dạng, độc đáo. Có những lò gốm chuyên sản xuất phục vụ cung đình ở Hoàng thành Thăng Long. Các chuyên gia đánh giá: “Đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần đã phát triển mang tính độc lập, khám phá những đề tài trang trí mang tính bản địa của người Việt, đồng thời tiếp nhận, cải biến mạnh mẽ những yếu tố kỹ thuật, hình dáng, hoa văn đặc trưng của gốm sứ Trung Quốc thời Đường, Tống. Nhờ đó, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam”.
Liễn, chất liệu gốm men trắng. Niên đại thế kỷ 11 - 12 |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Mô hình nhà thế kỷ 1 - 3 |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Chủ đề Gốm Việt Nam thế kỷ 15 - 17 lại cho thấy thời kỳ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và thế giới, với việc xuất khẩu gốm đi nhiều nước. Các trung tâm làm gốm khi đó được chuyên môn hóa, nhiều chủng loại đồ gốm đạt đỉnh cao kỹ thuật, mỹ thuật như: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)... Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm cũng thu được trên 240.000 hiện vật gốm Việt Nam xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc.
PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý chính là sưu tập quý nhất trong bộ sưu tập An Biên. Tuy nhiên, theo ông Quân, nhiều hiện vật khác trong bộ sưu tập An Biên cũng rất xuất sắc. “Ví dụ như gốm men trắng văn in thời Lê Sơ. Đó là những đồ gốm được sản xuất ở những lò quan, sản xuất đồ dùng cho hoàng gia ở cung Trường Lạc tại Hoàng thành Thăng Long. Gốm lò quan bao gồm cả những đồ ngự dụng. Đẳng cấp của bộ này (An Biên) chỉ thấp hơn bộ của vua dùng thôi. Vua dùng thì thường rồng 5 móng. Bộ này lại khác. Bộ này có phượng rồi cũng có những hoa văn thể hiện được làm ở lò quan”, ông Quân nói.
PGS-TS Phạm Quốc Quân cho biết tại trưng bày có hiện vật cũng rất đáng kể là lư hương thời Mạc của ông Đặng Huyền Thông. Lư có quai khắc chữ chìm dưới men “Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng, H.Thanh Lâm tạo tác”. “Lư thể hiện trang trí rất đẹp, vẽ rồng nhưng là rồng 4 móng. Đấy là đồ dùng được cho là của thái tử”, ông Quân chia sẻ. Ông cũng đánh giá rất cao những hiện vật gốm hoa nâu. “Đấy chính là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của gốm truyền thống Việt Nam”, ông Quân nói.
Bình luận (0)