Truyền thông Trung Quốc không thừa nhận thất bại ở Olympic 2016

23/08/2016 14:35 GMT+7

Các kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc đã đáp trả mọi chỉ trích về thành tích sụt giảm trầm trọng của đoàn thể thao nước nhà ở Olympic 2016 sau khi chỉ đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

Trước đó, dư luận Trung Quốc đưa ra nhiều chỉ trích khi đoàn thể thao nước nhà đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương, sau Mỹ và Anh. Bởi thành tích này sụt giảm nghiêm trọng (27 HCV, 18 HCB và 26 HCĐ) so với 2 kỳ Olympic gần đây nhất và là lần đầu tiên Trung Quốc bị hất khỏi 2 vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic.

Ở Olympic 2008, Trung Quốc với tư cách chủ nhà đã đứng đầu bảng xếp hạng với 51 HCV và về nhì ở Olympic 2012 với 38 HCV. Tuy nhiên, trong bài viết về việc làm thế nào Trung Quốc có thể “quyến rũ” thể thao thế giới, Tân Hoa Xã một mực cho rằng đoàn thể thao của quốc gia vẫn đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp HCV ở Olympic năm nay vì họ có... tổng số huy chương nhiều hơn Anh (70 so với 67). Tuy nhiên theo quy định, Anh đứng nhì bảng nhờ có HCV nhiều hơn Trung Quốc (27 so với 26).

Thể dục dụng cụ của Trung Quốc thất bại thê thảm ở Olympic 2016 AFP

Hãng tin trên nhấn mạnh việc ghi nhận về tinh thần quyết thắng, sự tôn trọng, tình đoàn kết và sự nhân văn được các VĐV Trung Quốc mang đến Olympic 2016, trong đó đặc biệt là khoảnh khắc 2 kình ngư môn nhảy cầu 3m cầu hôn trên bục nhận huy chương. Trong khi đó, Sina - một kênh truyền thông trực tuyến của Trung Quốc, cho biết Olympic 2016 báo hiệu quốc gia trình làng một thế hệ mới thể thao. Trong khi đó, CCTV cho rằng các VĐV nước nhà phần nào bị ảnh hưởng bởi bị “soi” quá nhiều về đời tư.

Bất chấp những quan điểm tích cực trên, ngành thể thao Trung Quốc không thể che khuất được sự thật thất bại của nước nhà ở Olympic năm nay khi các môn thế mạnh đều đem về thành tích thảm hại như thể dục dụng cụ (không có HCV nào dù đạt 9 HCV ở Olympic 2012), cầu lông... Bất bình lớn nhất nhằm vào việc nhà nước cam kết bảo trợ 6 tỉ USD cho các môn thể thao cho thế hệ trẻ vào năm ngoái. Tờ South China Morning Post phân tích rằng thế hệ trẻ chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để kế thừa, trong đó vấn đề cố hữu bắt nguồn từ việc các nguồn đầu tư chỉ tập trung vào mục tiêu đoạt HCV theo tiêu chí “đầu tư cao thì phải đạt sản lượng cao” mà quên mất xây dựng hệ thống đào tạo.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng họ đã mang đến Olympic năm nay nhiều cảm hứng nhưng bị thi đấu trong thế giới ghẻ lạnh AFP

Trước đó, với việc bị Anh vượt mặt, hàng loạt chỉ trích từ dư luận Trung Quốc  xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. “Ngay cả một nước như Anh vẫn có nhiều hơn quốc gia đông dân nhất thế giới 1 HCV”, một tài khoản viết trên mạng xã hội Twitter.

Một số cư dân mạng còn mỉa mai khi cho rằng nhiều VĐV còn nợ họ tiền thuế nộp để đầu tư vào thể thao. “Nên nhớ rằng kỹ năng của mỗi VĐV có được một nửa từ nguồn hỗ trợ của nhà nước”, một tài khoản viết. Ngoài ra không ít cư dân mạng chỉ trích kịch liệt như “VĐV Trung Quốc sau mỗi thất bại đều đổ lỗi cho trình độ trọng tài” hay “Tổng cục Thể thao nên thực hiện harakiri (mổ bụng theo kiểu Nhật Bản) và xin lỗi người dân”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.