Ngày 6.7, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phối hợp với Trường đại học RMIT Việt Nam tổ chức tọa đàm Phương thức mới trong truyền thông y tế.
Tham dự tọa đàm có ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế); PGS-TS Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM); thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân (Trường Quản trị - Học viện công nghệ châu Á tại Việt Nam); PGS Phạm Công Hiệp và TS Nguyễn Văn Thăng Long (Trường đại học RMIT Việt Nam),...
Thay đổi cách truyền thông y tế trên không gian mạng
Trong thời đại bùng nổ truyền thông số, ngành y tế đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc truyền tải thông tin đến cộng đồng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới cần phải giải quyết.
Buổi tọa đàm nhằm mục đích trang bị kỹ năng truyền thông dành cho các chuyên gia y tế trong việc chia sẻ thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Chương trình là sự mở đầu cho chuỗi hội thảo gồm 10 buổi với chủ đề "Key medical opinion leaders - Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội".
Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Văn Thăng Long cho biết, có khoảng 80 - 90% người khám chữa bệnh biết đến và đặt niềm tin vào các bác sĩ và các cơ sở y tế thông qua mạng xã hội.
"Hiện nay có khoảng 66% các cơ sở y tế vẫn sử dụng các phương tiện truyền thống trong việc truyền tải thông tin đến người khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nội dung truyền tải chỉ xoay quanh các số liệu thống kê với những thuật ngữ chuyên ngành khó tiếp cận và rất khô khan. Trong khi đó, các thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng lại rất hấp dẫn và thu hút người bệnh", ông Long nói. Ông Long đã đưa ra những đề xuất để nâng cao hiệu quả truyền thông của ngành y. Đó là các cơ sở y tế cần thay đổi những nội dung học thuật, khó hiểu thành những câu chuyện truyền cảm hứng đến cộng đồng.
"Đó có thể là những câu chuyện nhân văn về sự nỗ lực của một bác sĩ để cứu chữa một ca bệnh khó; những vất vả của y bác sĩ trong một ngày khám chữa bệnh cho hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân. Hay đơn giản là những hoạt động hết sức đời thường, gần gũi hàng ngày của y bác sĩ", ông Thăng Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, để hoạt động truyền thông y tế diễn ra hiệu quả trên không gian mạng, ông Vũ Mạnh Cường lưu ý: "Các lãnh đạo y tế cần xem đây là một hoạt động công việc chính thức, có phương pháp rõ ràng và hậu thuẫn vững chắc cho các y bác sĩ".
Truyền thông y tế không vì mục đích thương mại
PGS-TS Lê Minh Khôi đã có những góc nhìn về hoạt động truyền thông của các y bác sĩ, cơ sở y tế trên không gian mạng. Ông cho rằng, truyền thông y tế là hoạt động không vì một mục đích thương mại nào. Ông ví truyền thông trong y tế là hoạt động đưa "hương thơm" lan tỏa đến muôn nơi, góp phần tạo nên những giá trị lớn cho cộng đồng.
"Truyền thông trong y tế là hoạt động phụng sự cộng đồng, chứ không nhằm để quảng bá hay đánh bóng tên tuổi cho các y bác sĩ, cơ sở y tế. Đây là một hoạt động có giá trị lớn cho cộng đồng. Một bác sĩ tư vấn trong vòng 5 phút cho một bệnh nhân, nhưng với 5 phút trên mạng xã hội thì bác sĩ có thể truyền tải thông tin đến hàng trăm, hàng triệu người", PGS-TS Khôi nói.
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân cũng khẳng định, bệnh viện không phải là doanh nghiệp, nó được tạo nên là vì cộng đồng. Các y bác sĩ là không phải là những KOL bình thường, họ phải là một chuyên gia để góp phần đẩy lùi những thông tin chưa được kiểm chứng về y tế. Từ đó, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Ông Tuân còn lưu ý thêm, để công tác này diễn ra hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của các chuyên gia y tế về hoạt động truyền thông trên không gian mạng. Mặt khác, các chuyên gia y tế cần hiểu rằng, truyền thông trên không gian mạng là hoạt động có ý nghĩa lớn đối với xã hội. Một y bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh giỏi mà còn bao gồm việc truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Trong thời gian sắp tới, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Trường đại học RMIT Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo nhằm trang bị kỹ năng truyền thông dành cho các chuyên gia y tế.
Bình luận (0)