'Truyền tích Cổ Loa xưa' – đối thoại với tiền nhân

08/10/2024 12:00 GMT+7

Vở cải lương 'Truyền tích Cổ Loa xưa' (tác giả Nguyên Phương, đạo diễn Dương Khôn vừa ra mắt tại Nhà hát Trần Hữu Trang đêm 6.10.

Đạo diễn trẻ đã tìm được ngôn ngữ thể hiện thú vị và vẫn vẹn nguyên những giá trị đáng suy ngẫm về thời cuộc qua Truyền tích Cổ Loa xưa.

Câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu quen thuộc luôn là một đề tài hấp dẫn cho các nghệ sĩ khai thác bởi có rất nhiều góc nhìn xung quanh những nhân vật lịch sử. Tác giả Nguyên Phương đã chọn góc nhìn khác đi, đã cho chính những nhân vật ấy đối thoại với khán giả, bằng cách dẫn dắt đan xen hiện tại - quá khứ, để giải đáp và bóc tách hàng loạt uẩn khúc cho lý do mất nước của một triều đại. Có thể nói, kịch bản có chất thể nghiệm rất rõ, gây hứng thú cho khán giả trẻ, khán giả trí thức.

'Truyền tích Cổ Loa xưa' – đối thoại với tiền nhân- Ảnh 1.

Thanh Toàn (Trọng Thủy) và Hoài Thanh (Mỵ Châu) trong Truyền tích Cổ Loa xưa

ẢNH: H.K

Gói gọn chỉ trong hơn 2 tiếng, Truyền tích Cổ Loa xưa đưa người xem trở về vùng đất Âu Lạc hiền hòa thơ mộng trong tiếng hát ngọt ngào nhân ái, trong hiệu ứng ánh sáng rực rỡ mê hồn và cả những điệu múa mượt mà uyển chuyển. Nơi đó có ánh trăng thanh bình đã cảm hóa thái tử lân bang Trọng Thủy, khiến chàng thực sự muốn gắn bó với đất nước này cùng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp. Thế nhưng, cũng chính Trọng Thủy đã đánh mất tất cả khi quyết định phản bội và đánh cắp đi bí mật nỏ thần.

Xưa nay người ta thường trách Mỵ Châu bởi yêu đương mù quáng mà cả tin để sức mạnh quốc gia rơi vào tay giặc. Người ta cũng trách An Dương Vương ngủ quên trên chiến thắng, trên lạc thú thanh bình nên đánh rơi cả cơ đồ. Thế nhưng liệu họ có sai hoàn toàn? Một cô gái ở thời đại đó còn mong cầu gì hơn hạnh phúc gia đình, nơi hai con tim yêu hòa nhịp vượt lên trên thù hận? Một nhà vua đã quá mỏi mệt vì chinh chiến, còn mong mỏi gì hơn cuộc sống an nhàn cho chính mình và cả muôn dân? Khát vọng hòa bình ấy đáng được thông cảm. Có chăng là nó quá đỗi "ngây thơ và lý tưởng" giữa thực tại của loài người, mà ở đó tham vọng chưa bao giờ tắt, như chính câu nói của tên nội gián: "Tiểu quốc và đại bang không bao giờ hòa hợp".

Nếu nói Mỵ Châu và An Dương Vương là bi kịch của sự cả tin, thì Trọng Thủy lại là bi kịch của nỗi hoài nghi. Chàng yêu mảnh đất Âu Lạc là thật, mến con người Âu Lạc cũng là thật, nhưng chàng không đủ tin tưởng để chân thành đối đãi. Thẳm sâu trong chàng là cảm giác tự ti về thân phận con tin từ quốc gia bại trận của Triệu Đà, là sự bất an của một kẻ dị tộc nơi đất khách. Trọng Thủy nào có ham mê quyền lực, nhưng chàng vẫn bị đánh động bởi câu hỏi của tên nội gián xoáy thẳng vào ẩn ức: "Tại sao khi ở bên cạnh Mỵ Châu mà ngài vẫn cảnh giác?". Mâu thuẫn giữa trái tim và lý trí, một bên là Âu Lạc, Mỵ Châu, một bên là Triệu quốc, Triệu Đà, tiến thoái đều đem đến nỗi đau.

Cao Lỗ cũng là một bi kịch khác, bi kịch của người anh hùng cô độc. Ông hết lòng phò tá chúa thượng, ra sức vì dân vì nước không một phút giây nào dám ngơi nghỉ. Vậy mà, ông lại lạc lõng giữa cả tập thể chỉ chăm chăm hưởng lạc. Người sáng suốt đi ngược dòng nước, rét lạnh cả tâm can. Đến nỗi có những lúc ông chỉ muốn buông gươm về vui thú điền viên, nhưng rồi khi đất nước lâm nguy lại trân mình hứng chịu trước làn tên mũi giáo. Lịch sử có rất nhiều Cao Lỗ như thế, đẹp đẽ biết mấy mà cũng xót xa biết mấy.

Từng nhân vật dưới bàn tay đạo diễn của Dương Khôn cứ vậy mà hiện lên sinh động qua cách kể chuyện giàu tính thẩm mỹ. Những bài bản cải lương đan xen với các bài hát hiện đại lúc lãng mạn trữ tình, lúc hào hùng bi tráng giúp nhịp điệu vở diễn biến hóa đa dạng. Kỹ thuật đèn LED được sử dụng thông minh giúp không gian gọn gàng mà vẫn phong phú đầy màu sắc. Đặc biệt nhất có lẽ là phần biên đạo múa được thực hiện mãn nhãn, nhiều ẩn ý và đậm tính hình tượng trong động tác lẫn cách tạo hình.

'Truyền tích Cổ Loa xưa' – đối thoại với tiền nhân- Ảnh 2.

NSƯT Trọng Nghĩa (An Dương Vương), Hoàng Quốc Thanh (Cao Lỗ)

ẢNH: H.K

Trọng Thủy của Thanh Toàn có giọng ca ấm áp, thanh thoát và linh hoạt. Hóa thân của anh vào nhân vật có thể biến ảo từ lãng mạn trữ tình đến ray rứt nghẹn ngào, gây ấn tượng rất mạnh với khán giả. Hoài Thanh trong vai Mỵ Châu thanh sắc đều rất phù hợp với một nàng công chúa ngây thơ trong sáng, vừa mong manh lại vừa tiết liệt như bao đời phụ nữ nước Nam. NSƯT Trọng Nghĩa vào vai An Dương Vương điêu luyện với giọng ca dày dặn và diễn xuất đầy kinh nghiệm, đặc biệt lấy nước mắt khán giả trong lớp diễn hai cha con chạy giặc. Cao Lỗ do Hoàng Quốc Thanh thể hiện cũng rất xuất sắc, ra chất một vị tướng hào hùng nhưng chan chứa tình nhà nợ nước. Không có bạn diễn phối hợp, chỉ một mình trên sân khấu anh vẫn làm người xem mường tượng ra tình cảnh bốn bề thọ địch bằng vũ đạo tài tình. Bên cạnh đó, Thanh Khang trong vai nội gián, Lệ Trinh trong vai cô gái hiện đại đều là những diễn viên giỏi nghề, phối hợp làm nên một vở diễn chỉn chu và hài hòa.

Truyền tích Cổ Loa xưa hay ở chỗ không phán xét đúng sai, mà chỉ đặt ra những góc nhìn để người xem tự cảm nhận. Càng lật đi lật lại vấn đề, chúng ta – lớp người hiện đại càng hiểu và thông cảm với tiền nhân. Bởi suy cho cùng, mỗi con người đều không hoàn hảo, đều có những mặt tốt xấu lẫn lộn và bị cuốn trôi theo dòng sông thời cuộc, mấy ai tự chủ được số phận của mình? Tin tưởng hay cảnh giác, chọn lựa thế nào là đúng, là đủ, vẫn mãi là bài học ngàn đời không thể nào quên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.