Truyện về rạn nứt ở nông thôn đoạt giải Nhất truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập

11/11/2021 13:11 GMT+7

Nhà văn Trần Chiến đoạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập. Tác phẩm lý giải rạn nứt ở nông thôn.

Ngày 11.11, lễ trao giải cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi do báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay tổ chức. Giải Nhất trị giá 50 triệu đồng được trao cho nhà báo, nhà văn Trần Chiến với tác phẩm Con chú con bác.

Cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt cũng trao 2 giải Nhì cho truyện Xóm cồn của Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) và Cô Sáu Cam của Lê Ngọc Hạnh.

Có 3 giải ba được trao cho Vân tay mắt Phật của Trần Nhã Thụy, Trò săn vịt của Phát Dương và Hoa mía của Ngô Hòa Bình. Cuộc thi cũng trao 10 giải khuyến khích và 9 giải thưởng khác của Ban tổ chức dành cho các tác giả đã có những đóng góp, hưởng ứng cuộc thi với tác phẩm chất lượng.

Nhà văn Trần Chiến

Ảnh TL

Trưởng ban giám khảo Hội đồng chung khảo, nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá tác phẩm được giải Nhất Con chú con bác của tác giả Trần Chiến sử dụng lối kể chuyện theo kiểu cổ điển. Nghệ thuật kể chuyện không có sự cống hiến mới.

“Nhưng truyện đã đề cập, mổ xẻ và tìm ra một phần quan trọng nguyên nhân sự rạn nứt của nông thôn. Tư tưởng sâu, thấy được sự xáo trộn là từ bên ngoài, với sự xâm nhập của các hệ tư tưởng, các quan điểm sống vênh lệch khiến cho nó rạn nứt, biến chuyển ghê gớm”, ông Phương cho biết.

Trong khi đó, nhà văn Trần Chiến chia sẻ trong các vấn đề của nông thôn và nông dân, ông thường để ý đến lĩnh vực văn hóa. Đó là những mâu thuẫn giữa bảo tồn truyền thống thế nào cùng lúc với việc xã hội đang phát triển.

“Tiếng Anh, tin học về làng, máy móc làm thay sức người, trâu bò… Nhưng di sản làng, họ tộc, gia đình mất đi nhanh quá. Bản thân tôi cũng mâu thuẫn khi nhìn vào những được - mất này. Xã hội cần sự hình thành, phát triển của từng cá nhân, nhưng cái hôm qua của cộng đồng làng xã mất đi thì sẽ không có cách nào quay lại được”, ông cho biết.

Cuộc thi truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cây viết chuyên nghiệp. Đó là nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà văn Trần Chiến, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài, nhà thơ Nguyễn Kim Nhũ, nhà văn Nguyễn Trí, nhà văn Trần Văn Thước, nhà văn Trần Thanh Cảnh…

Cuộc thi cũng có những tác giả đặc biệt. Chẳng hạn, tác giả Trần Thị Trang ở Hà Nội gửi 34 tác phẩm; tác giả Đặng Ngọc Hưng ở Hà Nội gửi 13 tác phẩm; tác giả Đỗ Xuân Thu với tổng 11 tác phẩm dự thi hay cuộc thi có sự tham gia của tác giả khiếm thị Nguyễn Văn Thuận đến từ Hưng Yên.

Các truyện ngắn được đăng trên báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay

Ảnh chụp màn hình

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, nhận xét các tác phẩm gửi về dù là của nhà văn chuyên nghiệp hay tác giả mới đều đảm bảo chất lượng và khắc họa dược sự vươn mình của nông thôn, nông dân. “Nhìn vào khía cạnh tác động tiêu cực nhiều hơn của kinh tế thị trường, của sự hội nhập, phá mất nền tảng nông thôn nông dân nhưng cũng có những tác phẩm đề cập mặt tích cực, tấm gương điển hình”, ông Nguyên đánh giá.

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Truyện Cô Sáu Cam, tác giả dùng giọng kể của người Nam bộ, kể rủ rỉ, rủ rì rất hay. Đây cũng là một phong cách truyện thêm sự phong phú trong giải thưởng”.

Kết thúc cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập, tuyển tập truyện ngắn Thổn thức gió đồng cũng được xuất bản. Tuyển tập bao gồm 28 tác phẩm, trong đó có 16 tác phẩm đạt giải thưởng và 12 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào chung khảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.