Từ 1.9, cấm ‘độ’ ô tô trên 10 chỗ thành xe khách 9 chỗ trở xuống

07/08/2022 08:44 GMT+7

Từ ngày 1.9 tới đây, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ không được sử dụng ô tô có sức chứa từ 10 chỗ ngồi trở lên để cải tạo thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022 NĐ-CP với nội dung sửa đổi một số điều của Nghị định 10/2020 NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, có một số nội dung mới về ô tô trên 9 chỗ ngồi sử dụng kinh doanh vận tải hành khách.

Cụ thể, theo khoản 3 điều 13, Nghị định 47/2022 NĐ-CP quy định “Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách”. Nghị định 47/2022 NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2022.

Từ 1.9, cấm ‘độ’ ô tô trên 10 chỗ thành xe khách 9 chỗ trở xuống - Ảnh 1.

Từ ngày 1.9 tới, không được sử dụng ô tô có sức chứa từ 10 chỗ trở lên để cải tạo thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách

Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 1.9 tới các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách sẽ không được cải tạo các loại xe ô tô có thiết kế trên 10 chỗ thành xe chở khách ít chỗ ngồi hơn nhưng nhiều tiện nghi hơn để kinh doanh vận tải hành khách.

Trước đây, để “nâng tầm” chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, nhiều doanh nghiệp vận tải thường mua các loại xe 12 - 16 chỗ ngồi như Ford Transit, Hyundai Solati, Toyota Hiace... Sau đó, “độ” thành xe chở khách có số chỗ ngồi ít hơn (thường 10 - 12 chỗ và thường được gọi là xe limousine cao cấp). Thậm chí có một số ít trường hợp “độ” thành xe từ 7 - 9 chỗ nhưng nhiều tiện trang bị, tiện nghi… để chở khách sang. Từ đó, góp phần giúp các các nhân, doanh nghiệp vận tải dễ dàng trong việc sắp xếp tuyển chọn lái xe.

Bởi theo quy định về giấy phép lái xe tại Việt Nam, giấy phép lái xe hạng D được cấp cho người điều khiển ô tô dùng để chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi (bao gồm cả người lái) và các loại ô tô quy định sử dụng bằng lái hạng B1, B2 và C.

Từ 1.9, cấm ‘độ’ ô tô trên 10 chỗ thành xe khách 9 chỗ trở xuống - Ảnh 2.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp vận tải thường mua các loại xe 12 - 16 chỗ ngồi, sau đó “độ” thành xe chở khách có số chỗ ngồi ít hơn (thường 7 - 9 chỗ) nhưng nhiều tiện trang bị, tiện nghi…

Với tài xế có giấy phép lái xe hạng B2, theo quy định chỉ được phép điều khiển xe ô tô đến 9 chỗ ngồi dùng để chở người (bao gồm cả người lái)... Thực tế, theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay, việc tuyển và trả lương cho tài xế có giấy phép lái xe hạng D luôn tốn nhiều chi phí hơn so với việc thuê tài xế chỉ có giấy phép lái xe hạng B2.

Trong khi đó, nếu hoán cải xe ô tô trên 10 chỗ thành xe dưới 10 chỗ thì người điều khiển phương tiện sẽ chỉ cần đến bằng lái B2 thay vì bằng D. Bởi thực tế sau khi xe “độ” lại, hầu hết xe chỉ giảm số chỗ ngồi bên trong khoang nội thất, còn về kiểu dáng, kết cấu bên ngoài hầu như không thay đổi.

Do đó, một số cá nhân, doanh nghiệp vận tải hiện nay tận dụng kẻ hở và thiếu sót này để hoán cải, “độ” xe ô tô từ 10 chỗ trở lên thành xe dưới 10 chỗ để tiết kiệm chi phí thuê tài xế.

Từ 1.9, cấm ‘độ’ ô tô trên 10 chỗ thành xe khách 9 chỗ trở xuống - Ảnh 3.

Các xe được độ lại thường gọi là xe limousine, có ít chỗ ngồi hơn nhưng nhiều tiện nghi, trang bị

Tuy nhiên, với quy định mới bắt đầu từ ngày 1.9.2022, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách sẽ không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Những ô tô đã cải tạo và được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1.9.2022 vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định 47/2022 NĐ-CP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.