Quy định trên được ban hành theo quyết định số 62/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ký.
|
Mục tiêu của quy chế nhằm quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, hệ sinh thái nước lợ đặc biệt của Thừa Thiên- Huế có diện tích hơn 22 ngàn ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo quy chế, bắt đầu từ ngày 1.10, các tàu thuyền đánh bắt thủy sản có tải trọng dưới 0,5 tấn (dưới 500kg) và khai thác thủy hải sản bằng ghe thuyền truyền thống như: câu cá thể thao, thư giản và một số nghề khai thác thủy sản nhỏ truyền thống như: câu tay các loại, nơm, dậm, xúc vợt, chài quăng, câu giăng, cào ngao, bắt ốc, trìa, cua bằng tay…là không cần xin phép.
|
Còn lại, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản ở khu vực đầm phá trên địa bàn tỉnh có tải trọng trên 0,5 tấn phải có giấy phép do Chi cục Thủy sản cấp.
Các tàu thuyền có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m, không lắp máy, hoặc có lắp máy với công suất dưới 20CV sẽ do UBND cấp huyện quản lý.
Các tàu thuyền khai thác thủy sản có chiều dài đường nước trên 15m không lắp máy hoặc có lắp máy với công suất trên 20CV phải được đăng kiểm theo quy định.
Quy chế cũng quy định 15 điều nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý như: đánh bắt cá trái phép ở những khu vực cấm (gồm khu vực bảo tồn, bảo vệ thủy sản, bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn, rạn đá và hệ sinh thái khác…); đánh bắt cá và các loài thủy sản bằng các phương tiện có tính chất hủy diệt môi trường như: hóa chất đọc hại, chất nổ, xung điện, kích điện, rà điện, kết hợp điện, te quệu, giã cào, lưới quét, lười kìm (vây), lưới xiết, nạo (cào) lương, hến, hàu, rong bằng thuyền máy.
Lần đầu tiên quy chế cũng đã quy định nghiêm cấm đánh bắt các loài thủy sản thuộc danh mục cấm (trừ mục đích nghiên cứu khoa học) chưa đủ kích cở (trừ trường hợp khai thác phục vụ nuôi trồng).
Quy chế cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nghiên cứu, điều tra, thăm dò, nghiên cứu quản lý, bảo tồn và phát triển ngư trường, nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng đáp ứng yêu cầu cụ thể của ngư dân địa phương và chi hội nghề cá; khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trao đổi chuyên gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý nghề cá ven bờ và đầm phá.
Bình luận (0)