Từ ngày 1.6.2021, nhiều chính sách pháp luật mới sẽ có hiệu lực, như: quán karaoke hoạt động sau 0 giờ bị phạt đến 30 triệu đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản;...
Quán karaoke chỉ hoạt động từ 8 - 24 giờ hằng ngày
Nghị định 38/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 38) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1.6.2021 thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP và Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 15 Nghị định 38, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; Kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; Sửa chữa, tẩy xóa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Đồng thời, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 38 quy định, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với 1 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với 1 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, theo Nghị định 38.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản
Từ ngày 1.6.2021, Nghị định 46/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 46) của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ có hiệu lực.
Tại Điều 9 Nghị định 46 quy định, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm:
Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.
Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của pháp luật.
Xử lý tổn thất về tài sản theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép
Nghị định 23/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 23) của Chính phủ hướng dẫn luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 1.6.2021.
Điều 21 Nghị định 23 quy định, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây:
Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp giải thể hoặc bị tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.
Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 3 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt.
Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp.
Không đảm bảo một trong các điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của bộ luật Lao động năm 2019.
Bình luận (0)