Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng khi biết sớm cấu trúc mới, tổ hợp môn xét tuyển sinh của các trường ĐH, các trường phổ thông sẽ có phương án xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn hợp lý hơn cho học sinh (HS) lựa chọn từ lớp 10 cũng như HS lớp 11 có thể thay đổi môn học lựa chọn nếu thấy thực sự cần thiết. Điều này vừa đáp ứng nguyện vọng, vừa giảm áp lực cho HS trong học tập, thi cử.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng với phương thức thi 2+2 như vậy, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn nữa. Cho nên các trường ĐH nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác. "Các phân tích của nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH Giáo dục cho thấy giữa điểm thi theo các khối hiện nay (A, B, C, D...) không có tương quan với kết quả học tập năm thứ nhất của sinh viên. Cho nên tư duy khối thi kiểu cũ cũng rất đáng xem lại", GS Thanh chia sẻ thêm.
Để HS có sự chuẩn bị, ngay thời điểm này, một số trường ĐH đã bắt đầu công bố định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Những phương thức tuyển sinh chủ đạo hiện nay vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng cho giai đoạn từ năm 2025. Cụ thể, khuynh hướng chung các trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, mỗi phương thức sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết về cơ bản trường vẫn sử dụng những phương thức tuyển sinh ĐH truyền thống. "Tuy nhiên, đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ có phương án điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển phù hợp theo hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới", thạc sĩ Dung nói thêm.
Có gần 100 trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đang lên phương án điều chỉnh đề thi cho phù hợp từ năm 2025. Theo công bố của ĐH Quốc gia TP.HCM, từ năm 2025 kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục được tổ chức theo hướng ổn định theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Tuy nhiên, kỳ thi sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc bài thi để phù hợp với sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018.
Theo dự thảo đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 được ĐH Quốc gia TP.HCM công bố, cấu trúc bài thi sẽ có sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật - nội dung mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018. Dù vẫn gồm 3 phần nhưng riêng phần 3 giải quyết vấn đề có sự thay đổi mạnh về cấu trúc. Lần đầu tiên thí sinh tham dự kỳ thi được lựa chọn câu hỏi thuộc 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực (gồm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật) thay vì phải làm hết tất cả các câu hỏi của phần thi này như trước.
Là một trong số các đơn vị sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Nha Trang đã công bố định hướng xét tuyển từ năm 2025. Bên cạnh xét kết quả học tập THPT, trường tập trung vào xét kết quả đánh giá năng lực học tập bậc ĐH do các trường ĐH tổ chức. Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết định hướng của trường dù xét tuyển phương thức nào cũng căn cứ trên tổ hợp môn phù hợp với đặc thù từng ngành nghề đào tạo.
Bình luận (0)