Từ 2026 - 2030, bảo đảm tối thiểu từ 2-5% lãnh đạo cấp bộ là 'nhân tài'

02/01/2021 17:59 GMT+7

Khởi động năm mới 2021, Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài , với mục tiêu từ 2026, ít nhất 2% lãnh đạo, quản lý cấp bộ là "nhân tài".

Quan điểm về công tác cán bộ “vẫn còn bảo thủ, thậm chí còn phạm sai lầm"

Sau một thời gian ấp ủ, Bộ Nội vụ đã đưa ra lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài với 8 loại tài liệu được xây dựng công phu, từ dự thảo chiến lược đến dự thảo quyết định của Thủ tướng; giải trình, tiếp thu các nội dung góp ý; tổng kết hiện trạng thu hút, sử dụng nhân tài…
Dự thảo chiến lược dành một thời lượng đáng kể cho việc điểm lại lịch sử với khẳng định “trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay”, từ truyền thuyết về thời Hùng Vương đã có chuyện nhà vua sai sứ giả đi mời gọi nhân tài ra giúp dân, cứu nước, đánh giặc Ân; các triều đại Lý, Trần, Lê cho đến triều Nguyễn thường xuống “Chiếu cầu hiền”…
Đến thời đại Hồ Chí Minh, Chính phủ đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Nghị viện nhân dân bầu ra, bao gồm những người tài không phân biệt đảng phái chính trị, nguồn gốc xuất thân, miễn là vì dân, vì nước.
Khi sử dụng người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tài đức của cán bộ ở hiệu quả làm việc; coi hiệu quả công việc với tinh thần vì dân, vì nước là căn cứ chính để phát hiện, trọng dụng nhân tài, chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng.
Đó là lý do, kể cả trong kháng chiến khó khăn, gian khổ, lại chưa có cái gọi là chiến lược nhân tài, song Đảng đã chọn được một đội ngũ cán bộ có đức, có tài, kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh… Các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành thắng lợi có nhiều nguyên nhân, song chọn và sử dụng đúng nhân tài là điều quyết định, theo cơ quan soạn thảo.
Ngược lại, bước sang thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, quan điểm về công tác cán bộ “vẫn còn bảo thủ, thậm chí còn phạm sai lầm: khi thì coi trọng lý lịch, thành phần xuất thân; khi lại quá coi trọng về bằng cấp, học vị; khi lại nhấn mạnh trẻ hóa một cách cứng nhắc…”, cơ quan soạn thảo chỉ ra.
Các yếu tố tiêu cực như cơ hội, thực dụng, chạy chức, chạy quyền, dùng tiền để lấy lòng cán bộ cấp trên, địa phương, cục bộ, phe cánh hợp gu, cảm tình, thiên vị... đã làm cho công tác tuyển chọn nhân tài bị sai lệch.
Người trung thực thẳng thắn dễ bị bỏ sót. Người xu nịnh cơ hội dễ được cất nhắc, đề bạt, lên chức, lên lương.
Chính sách đãi ngộ bình quân, người giỏi làm được việc chỉ hưởng như cán bộ làm việc không có hiệu quả. Bố trí, sử dụng cán bộ trong nhiều trường hợp không đúng - không ít trường hợp người dốt lãnh đạo người giỏi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn theo nếp cũ, chưa kể bằng giả, học để mà học, không coi trọng thực chất, dẫn đến phát sinh tiêu cực trong công tác cán bộ…
“Đất nước thịnh hay suy, có chống được tệ tham nhũng, lãng phí hay không đều do công tác cán bộ quyết định tất cả", cơ quan soạn thảo khẳng định, đồng thời nhấn mạnh nếu Đảng và Nhà nước không có chiến lược thu hút và sử dụng nhân tài “thì sớm muộn cũng sẽ dẫn đến hậu quả làm cho đất nước không theo kịp tốc độ phát triển của thế giới”; “không thể nâng cao được năng lực cầm quyền của Đảng và Nhà nước nếu chưa coi chiến lược nhân tài cũng là chiến lược cán bộ của Đảng”.

Thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng

So với phần sự cần thiết phải thu hút người tài được viết quá tâm huyết, thì các phần sau của dự thảo có vẻ hụt hơi, đặc biệt liên quan đến các cơ chế để thu hút người tài, cũng như định nghĩa thế nào là người tài. Do đó, nhìn vào đề án, người tài có thể chưa thấy mình được "thu hút", "trọng dụng" như thế nào.
Dù vậy, có điểm rất đáng chú ý, là dự thảo nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng nhân tài "không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài", bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Nội dung này đã được Bộ Quốc phòng đề nghị cân nhắc khi góp ý vào dự thảo, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo không tiếp thu, tiếp tục giữ quan điểm này, với lý do nó phù hợp với Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. 
Phương châm được cơ quan chủ trì, soạn thảo đưa ra là “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và “Bốn tốt” (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt).
Do đó, dự thảo nhấn mạnh việc “có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước”; “có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài”; “xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...”.
Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu tiến tới hình thành và phát triển “thị trường nhân tài” trong nước và khai thác hiệu quả thị trường nhân tài quốc tế, chủ động tạo nguồn cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, đủ khả năng và điều kiện giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Mục tiêu cụ thể được chiến lược đưa ra là:
Từ năm 2021 đến 2025, 100% các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn.
Từ năm 2026 đến 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Chiến lược đưa ra 8 nhóm giải pháp để thu hút, trọng dụng nhân tài, gồm:
- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài. 
- Nâng cao nhận thức về nhân tài. 
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với tạo nguồn nhân tài. 
- Tạo môi trường, điều kiện làm việc (trong đó có nghiên cứu chính sách về nhà ở, chính sách khung về tiền lương đối với nhân tài để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất). 
- Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia. 
- Tăng cường thanh tra, kiếm tra, giám sát việc thực hiện chính sách nhân tài. 
- Hợp tác quốc tế để thực hiện chiến lược. 
- Giải pháp về kinh phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.